Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng

  • 03/10/2023
  • s 11:00

(LĐ online) - Ngày 2/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Tại điểm cầu UBND tỉnh còn có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Triều, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành…

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023, do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tôn Thiện San, trình bày, cho biết: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2023 đạt một số kết quả tích cực như: Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi, thủy sản tiếp tục phát triển; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, không để bùng phát, lây lan diện rộng. Công tác quản lý bảo vệ rừng được quan tâm, chỉ đạo liên tục, quyết liệt (số vụ vi phạm giảm 24%; diện tích thiệt hại giảm 52% so với cùng kỳ).

Các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, giá cả hàng hóa, vận tải tiếp tục ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thị trường thế giới và trong nước (chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 3%). Hoạt động du lịch tiếp tục sôi động, tăng trưởng mạnh; tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật với quy mô, chất lượng đẳng cấp quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch đến Lâm Đồng, đặc biệt là khách quốc tế (tổng lượt khách du lịch tăng 20,1%; khách quốc tế tăng gấp 4,28 lần so với cùng kỳ).

Công tác thu ngân sách nhà nước được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm thực hiện; đảm bảo không để hụt các thu ngân sách nhà nước, không điều chỉnh giảm thu ngân sách nhà nước năm 2023 (ước 9 tháng đầu năm thu ngân sách đạt 9.332 tỷ đồng, bằng 73,9% dự toán Trung ương và bằng 64,4% dự toán địa phương). Giải ngân vốn đầu tư công được các cấp, các ngành và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm; tập trung giải quyết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thường xuyên kiểm tra, làm việc với các địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công (Lũy kế 9 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 36,8% kế hoạch).

Công tác lập đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt nhiều kết quả tích cực, đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định, rà soát theo quy định; phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phục cận; quy hoạch sử dụng đất thời kỳ đến năm 2030 của một số địa phương tạo thuận lợi cho công tác quản lý quy hoạch, đất đai và thu hút đầu tư theo quy định. Quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; nhiều chương trình, lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra sôi động. Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm phát triển nhà ở xã hội, công tác giảm nghèo bền vững. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác; đảm bảo đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, phụ nữ được quan tâm.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được quan tâm thực hiện tốt; điểm số và thứ hạng về cải cách hành chính năm 2022 tăng đáng kể so với năm 2021 (đạt 86,72/100 điểm, xếp thứ 15/63, tăng 14 bậc). Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Tiếp tục thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, tăng cương trách nhiệm trong xử lý công việc; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác cán bộ, điều động, bổ nhiệm lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo; trật tự xã hội cơ bản ổn định. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư; công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng thực hiện hiệu quả.

Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2023, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; Giải ngân vốn đầu tư công tuy được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng tiến độ giải ngân còn rất chậm; công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa có nhiều chuyển biến tích cực; Công tác quản lý, bảo vệ rừng tuy đã được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt nhưng các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra, gây thiệt hại tài nguyên rừng; Tình hình thời tiết, thiên tại diễn biến bất ngờ, khó dự báo, nhất là tình trạng mưa lớn liên tục, bất thường, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, Nhân dân và thiệt hại tính mạng của người dân…

Tại Hội nghị, các địa phương và sở ngành cũng tập trung báo cáo và đề xuất giải pháp cho những nội dung còn hạn chế, như: thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng cơ bản…; khắc phục các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính; các công việc cấp bách liên quan đến dịch bệnh, đánh giá những điểm có nguy cơ sạt lở, thiết lập tình trạng khẩn cấp trong thiên tai… không để người dân hoang mang… Ông Nguyễn Công Thạnh - Quyền Cục trưởng Cục Thống kê, phân tích nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng thấp của năm nay, trong đó, một phần do năm 2022 đã có tốc độ tăng trưởng quá cao...

Ông Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, qua thực tế giám sát hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, cho thấy: Thu ngân sách chậm so với mọi năm, trong đó ảnh hưởng nhiều do hụt thu từ đất. Giải ngân chậm dù chỉ đạo quyết liệt, phải chăng phụ thuộc về mặt thẩm định hồ sơ và giải phóng mặt bằng... Điều quan tâm nhất trong chương trình giám sát của MTTQ là tạo sinh kế cho người dân, nhiều mô hình tốt (trồng dâu nuôi tằm), nhưng cũng có mô hình chưa tốt, ảnh hưởng đến chương trình giảm nghèo của tỉnh… Sắp tới, MTTQ có chương trình đại đoàn kết toàn dân mong các đồng chí lãnh đạo tham dự…

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn nỗ lực của các sở ngành địa phương trong điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, đặc biệt là tổ chức tốt Lễ Khai giảng và Chương trình Trung Thu, tạo nên không khí vui tươi, rộn rã cho con cháu… Chủ tịch yêu cầu phải nhất quán tư tưởng, hành động và chỉ đạo, lấy quyền lợi của người dân và doanh nghiệp làm thước đo năng lực làm việc và sự phấn đấu của các sở ngành.

Quý IV phải được xác định là tháng nước rút, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay. Những vấn đề vướng trong thẩm quyền thì xử lý ngay, xử lý dứt điểm; còn vượt thẩm quyền thì xin ý kiến Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh, Chính phủ và các Bộ ngành… Năm nay là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 12 của Tỉnh Đảng bộ, vì vậy, các sở ngành và địa phương phải cố gắng vượt bậc…

LÊ HOA