Cùng với các địa phương khác trong cả nước, sau đại dịch COVID-19 với những tác động chưa từng có tiền lệ, Lâm Đồng triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết đại hội XI, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần đoàn kết, đồng lòng. Từ ý chí, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Lâm Đồng từng bước thích ứng, “biến nguy thành cơ” để thực hiện các mục tiêu phát triển.
Sau nửa nhiệm kỳ nhìn lại, Lâm Đồng đã có nhiều “trái ngọt”. Đó là cơ sở quan trọng cho địa phương thêm động lực để bước tiếp, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội XI đã đề ra.
Bài 1: Dấu ấn
Biến thách thức thành cơ hội, biến nguy thành cơ là cách Lâm Đồng bình tĩnh, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ của nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
• “KIM CHỈ NAM” CHO MỌI HÀNH ĐỘNG
Nghị quyết đại hội XI của Đảng bộ tỉnh được xây dựng thấm đẫm hơi thở cuộc sống, bổ khuyết những vấn đề còn tồn tại trong nhiệm kỳ trước và đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để nhanh chóng đi vào cuộc sống với nhiều biện pháp và cách làm mang tư duy đổi mới, hành động quyết liệt.
Nghị quyết xác định rõ mục tiêu: Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành Nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển du lịch chất lượng cao. Phát triển công nghiệp có chọn lọc. Phát triển mạnh giáo dục và khoa học kỹ thuật; nâng cao vai trò văn hoá, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Đảm bảo quốc phòng - an ninh. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trên cơ sở thực tiễn tình hình địa phương và trong nước, 4 khâu đột phá đã được tỉnh Lâm Đồng xác định nhằm triển khai nhiệm vụ toàn diện trên tất cả các mặt. Đặc biệt trong đó có khâu đột phá trong huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, du lịch, công nghệ thông tin - truyền thông, mạng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số.
Theo đó, Lâm Đồng cũng đã xác định tiếp tục triển khai đầu tư 8 công trình trọng điểm của giai đoạn 2016-2020, đồng thời, đầu tư mới 9 công trình. Việc hoàn thành các công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn, sẽ tạo sức bật cho Lâm Đồng trong quá trình phát triển đi lên của nhiệm kỳ 2020-2025 để phát triển thành tỉnh khá của cả nước và tầm nhìn chiến lược dài hơi đến 2030 có thể tự cân đối ngân sách và có điều tiết nộp về Trung ương; đến năm 2045 là thành phố trực thuộc Trung ương.
• NHỮNG DẤU ẤN NỔI BẬT
Ðồng chí Trần Ðức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Lâm Đồng đã bám sát nghị quyết, chỉ thị... của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, nhận định: Điểm sáng trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh chính là kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Trong đó phải kể đến các dự án, công trình lớn được triển khai thực hiện bởi sự nỗ lực rất lớn của địa phương trong sự đồng tình, ủng hộ và sự phấn khởi, hân hoan, mong chờ của người dân như: mở rộng, nâng cấp đèo Prenn; Dự án đường Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư... Các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được triển khai khá đồng bộ và có những chuyển biến tích cực làm thay đổi căn bản diện mạo kết cấu hạ tầng của địa phương.
Đầu năm 2023, Dự án công trình Hồ chứa nước Ta Hoét tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng với tổng mức đầu tư là 982 tỷ đồng đã được khởi công. Đây là công trình công cộng cần thiết nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt gây thiệt hại về hoa màu và tài sản của Nhân dân; sau khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 2.580 ha đất canh tác của huyện Đức Trọng; cấp nước bổ sung tưới cho 500 ha thuộc khu vực tưới của hồ Tuyền Lâm; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 65 ngàn người dân... UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các nhiệm vụ liên quan để dự án được tiến hành đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa mới ban hành quyết định phê duyệt xây dựng hạ tầng khu tái định canh với tổng mức đầu tư xây dựng dự án là 30 tỷ đồng để đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống cho các hộ dân có đủ điều kiện được giao đất tái định canh, đây là một trong những quyết định quan trọng của tỉnh góp phần đẩy nhanh việc thực hiện dự án.
Một nét chấm phá nổi bật khác trong thực hiện nhiệm vụ nửa đầu nhiệm kỳ của tỉnh là Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều thành tựu. Ðến cuối năm 2023, Lâm Đồng đã có 109/111 xã và 5 huyện đạt chuẩn NTM trong đó có 40 xã NTM nâng cao, 14 xã kiểu mẫu. Hai TP Ðà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đã dần được nâng lên.
Lâm Đồng được đánh giá là địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đi đầu trong cả nước. Đây là thành quả của hành trình gần hai mươi năm. Và đến nửa đầu nhiệm kỳ này, NNCNC của Lâm Đồng đã bước vào giai đoạn tăng tốc cả ở chiều rộng và chiều sâu. Doanh thu mỗi năm trên 1 ha sản xuất rau trên 2 tỷ đồng, sản xuất hoa từ 3 - 5 tỷ đồng; tỷ trọng sản xuất NNCNC, nông nghiệp thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt…Đây đang là hướng đi bền vững, mang thương hiệu riêng và đầy tự hào của Lâm Đồng.
Song song với phát triển nông nghiệp, trong nửa nhiệm kỳ qua, Lâm Đồng cũng đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm - ngành có lợi thế của tỉnh. Đồng thời, mở rộng các dự án, lĩnh vực công nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và có doanh thu, lợi nhuận cao, như: Sợi len lông cừu, sản xuất alumin, bia đóng lon... Toàn tỉnh hiện có 9.693 cơ sở sản xuất công nghiệp; 2 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp, thu hút 121 dự án; tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp Lộc Sơn là 90,3%, Phú Hội là 98%, các cụm công nghiệp là 58,6%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 12,9%.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững, địa phương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch; chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch trong từng giai đoạn và hàng năm để kịp thời định hướng phát triển du lịch của từng địa phương trong tỉnh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch như giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông... đến các khu vực quy hoạch du lịch, đặc biệt là tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Đankia - Suối Vàng và các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh. 36 khu, điểm tham quan du lịch; 33 điểm du lịch canh nông; 3 sân golf 18 lỗ được đầu tư, khai thác kinh doanh; hơn 60 điểm tham quan kiến trúc tôn giáo và danh lam, thắng cảnh; 3.004 cơ sở lưu trú du lịch... là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch Lâm Đồng. Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, Lâm Đồng hiện đang phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm...
Người đứng đầu UBND tỉnh, cũng khẳng định thêm: “Sự phát triển của Lâm Đồng trong nửa đầu nhiệm kỳ luôn bám sát dòng chảy phát triển chung của thời đại”. Và việc hình thành Trung tâm Điều hành thông minh IOC ở các địa phương đã thể hiện điều đó. Không chỉ có những “cánh chim đầu” như Đà Lạt, Bảo Lộc, Lạc Dương mà các huyện còn nhiều khó khăn hơn như Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đam Rông cũng đã vận hành Trung tâm Điều hành thông minh của huyện. Từ đây các vấn đề như: giám sát trực quan trên bản đồ số; xử lý các bất cập về quản lý đô thị, tài nguyên, khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng; camera giám sát giao thông trực tiếp... đã từng bước phát huy hiệu quả.
Đặc biệt, ngày 12/10 vừa qua, Lâm Đồng chính thức vận hành Trung tâm Điều hành thông minh IOC của tỉnh. Đây là một trong số ít trung tâm trên cả nước được kết nối số liệu trực tiếp từ Trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với nhiều nỗ lực, nửa đầu nhiệm kỳ qua, kinh tế của Lâm Đồng tiếp tục phát triển, một số chỉ tiêu đạt và tiệm cận kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,36%; GRDP bình quân đầu người hơn 85,6 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 38.915 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 15,4%/năm.
Đặc biệt, năm 2022, kinh tế Lâm Đồng có sự tăng trưởng mạnh mẽ đầy ấn tượng với 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành. Trong đó có 6 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 của tỉnh có sự tăng trưởng cao nhất trong suốt giai đoạn từ năm 2011-2022. Theo ước tính, tổng sản phẩm trên địa bàn Lâm Đồng năm 2022 theo giá so sánh năm 2010 tăng lên mức kỷ lục với 12,09% so với cùng kỳ, xếp thứ 9 cả nước và đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên Lâm Đồng có mức tăng trưởng ấn tượng như thế. Cũng trong năm này, thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng.
Việc chọn đúng những công việc trọng tâm nhất để quyết liệt thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ đã đưa vị thế Lâm Đồng được nâng lên và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân. Đó là minh chứng rõ nhất về tầm nhìn, chất lượng nghị quyết của Đảng - sản phẩm kết tinh từ ý Đảng, lòng dân, mang đậm tư duy và hành động cho sự đổi mới, sáng tạo, là nền tảng quan trọng để Lâm Đồng tiếp tục bứt phá vươn lên.
(CÒN NỮA)