Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề xuất bổ sung cụm dự án Nhà máy điện gió Đơn Dương 1, 2, 3 và 3A (huyện Đơn Dương) vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.
Một trụ turbine gió tại nhà máy điện gió Cầu Đất (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) - Dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng |
Theo văn bản 320/SCT-QLCN ngày 1/3/2022, Sở Công Thương tỉnh nhận thấy việc bổ sung cụm dự án Nhà máy điện gió Đơn Dương 1, 2, 3, 3A vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến năm 2045 phù hợp với chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lâm Đồng.
Do đó, Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trình Bộ Công thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung cụm dự án nhà máy điện gió trên vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến năm 2045, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo.
Cụ thể, 4 nhà máy điện gió trên có tổng công suất 199,2 KW, sẽ được khảo sát, xây dựng tại thị trấn D’ran và các xã Lạc Xuân, Ka Đô, P’ró (huyện Đơn Dương). Dự kiến, cụm dự án 4 nhà máy điện gió Đơn Dương sẽ có sản lượng điện phát lên lưới hơn 170 MWh/năm. Diện tích tối đa cho mỗi nhà máy trên khoảng 32 ha.
Với phần diện tích đất đề xuất trên, 4 nhà máy điện gió tại huyện Đơn Dương sẽ có 12 trụ turbine gió. Mỗi trụ turbine có công suất từ 4 tới 4,2 MW, chiều cao khoảng 100 m, đường kính cánh 150 m. Công ty cổ phần đầu tư EMI là đơn vị thực hiện phần khảo sát, nghiên cứu cụm dự án nhà máy điện gió Đơn Dương 1, 2, 3 và 3A.
Về quy hoạch sử dụng rừng theo quyết định điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng 2016 - 2025, định hướng đến 2030 thì diện tích bị ảnh hưởng đối với các dự án, cụ thể: Dự án điện gió Đơn Dương 1, rừng phòng hộ khoảng 420 ha, ngoài lâm nghiệp 280 ha; dự án điện gió Đơn Dương 2, rừng phòng hộ khoảng 1.172 ha, ngoài lâm nghiệp 143 ha; dự án điện gió Đơn Dương 3, rừng sản xuất 1.781 ha, ngoài lâm nghiệp 262 ha; dự án điện gió Đơn Dương 3A, rừng sản xuất 967 ha, rừng phòng hộ 254 ha, ngoài lâm nghiệp 140 ha.
http://baolamdong.vn/