Về cơ bản, việc triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh đã góp phần đạt chỉ tiêu mà “Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025” của UBND tỉnh đề ra. Theo đó, Lâm Đồng tăng 7 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số TMĐT trong cả nước.
Trong 4 mục tiêu phát triển TMĐT như Kế hoạch số 1392/KH - UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho các cơ quan, đơn vị thực hiện, theo Sở Công thương cho biết, có 4/4 chỉ tiêu cơ bản đã đạt và vượt kế hoạch hỗ trợ phát triển TMĐT cũng như các nhiệm vụ khác mà Lâm Đồng được giao đều đang được triển khai thực hiện. Điều đó cho thấy, các mục tiêu phát triển TMĐT tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện có hiệu quả và đạt được mục đích đó là triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh phát triển qua từng năm.
Theo tổng hợp của Sở Công thương tỉnh, chỉ số xếp hạng TMĐT của Lâm Đồng đối với từng nội dung đó là: Chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ năm 2021 là 16,01 điểm (xếp hạng 14/56 tỉnh, thành), năm 2022 đạt 22,36 (xếp hạng 15/56) và năm 2023 đạt 25,4 điểm (xếp hạng 15/58 tỉnh, thành). Tương tự, chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng lần lượt năm 2021 là 3,53 điểm (xếp hạng 30/56 tỉnh, thành), năm 2022 đạt 22,21 điểm (xếp hạng 19/56) và năm 2023 đạt 10,3 điểm (xếp hạng 44/58). Còn chỉ số về giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) năm 2021 đạt 5,10 điểm (xếp hạng 17/56 tỉnh, thành), năm 2022 là 15,66 điểm (xếp hạng 23/56) và năm 2023 đạt 19,8 điểm (xếp hạng 12/58 tỉnh, thành).
Trong các chỉ số thành phần nêu trên thì chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tuy có tăng điểm so với năm 2022 nhưng thứ hạng không thay đổi. Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) giảm điểm đáng kể, chỉ còn 10,3 điểm và tụt 25 bậc so với năm 2022. Chỉ số về giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) tăng 10,94 điểm, tăng 11 bậc và đứng thứ 12/58 tỉnh, thành phố được xếp hạng so với cùng kỳ năm trước.
Theo xếp hạng của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Lâm Đồng thuộc nhóm các tỉnh có mức độ phát triển trung bình về TMĐT. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, TMĐT Lâm Đồng có sự thay đổi đáng kể theo hướng phát triển tích cực. Sự chuyển biến rõ nét này có thể nhận thấy thông qua bảng xếp hạng các chỉ số TMĐT của Lâm Đồng qua một số năm. Cụ thể, nếu như năm 2021 và 2022, Lâm Đồng thuộc nhóm xếp hạng trung bình thấp; nhưng năm 2023, điểm trung bình chỉ số TMĐT của tỉnh đạt 19,8 điểm - cao hơn điểm trung bình cả nước 19,24 điểm.
Đáng nói hơn, trong bảng xếp hạng TMĐT, Lâm Đồng luôn đứng đầu trong nhóm 5 tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, trong năm 2023, Lâm Đồng đã tăng 7 bậc trên bảng xếp hạng TMĐT so với năm 2022 và xếp thứ 13 trong 58 tỉnh, thành phố được Hiệp hội TMĐT Việt Nam đánh giá và xếp hạng. Và mặc dù đứng thứ 13 trong cả nước nhưng về mặt quy mô TMĐT của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn rất nhỏ, chưa bằng 1/3 quy mô TMĐT của TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội và chỉ bằng 1/2 quy mô TMĐT của TP Đà Nẵng.
Đánh giá của Sở Công thương cho hay: Lâm Đồng có sự đầu tư phát triển khá tốt cho nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh sự chỉ đạo và quan tâm đến lĩnh vực này của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự nỗ lực triển khai của các sở, ngành liên quan ra còn có sự phối hợp rất nhiệt tình từ các tổ chức đoàn thể, hội và hiệp hội, như: Tỉnh Đoàn, Liên minh Hợp tác xã , Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Phụ nữ… và các doanh nghiệp trong ngành có liên quan như VNpost, Viettel… Cùng đó là sự đồng hành và phối hợp của một bộ phận doanh nghiệp khá tốt, nhiều doanh nghiệp trẻ có kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT đã phối hợp để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các đơn vị khác trong việc ứng dụng TMĐT vào kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được các ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT tốt, đang dần được nhiều người sử dụng.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển TMĐT vẫn còn đó một số hạn chế nhất định. Điều này được Sở Công thương chỉ ra đó là việc thanh tra, kiểm tra để thực hiện đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xân phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT hiện nay vẫn là một nội dung khó, nhất là đối với chính quyền các huyện, thành phố trong tỉnh; việc thống kê về TMĐT hiện nay cũng chưa thực hiện một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, các website cung cấp dịch vụ TMĐT của tỉnh chưa trở thành những sàn TMĐT được nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia giao dịch. Việc trao đổi, mua bán vẫn dựa trên các nền tảng lớn như shopee, tiktok, lazada… Hiện nay, doanh số bán lẻ B2C của các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng vẫn rất thấp. Theo số liệu của Metric.vn, tổng doanh thu bán lẻ trên shopee và sendo trong 6 tháng vừa qua của các gian hàng Lâm Đồng đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, việc ứng dụng TMĐT ở các địa phương vùng sâu có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng xa trung tâm của tỉnh còn hạn chế.
Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại cần khắc phục, Sở Công thương tỉnh đề ra mục tiêu và nhiệm vụ phát triển TMĐT tại địa phương giai đoạn 2026 - 2030, trọng tâm đề xuất tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh phát triển các nền tảng TMĐT (website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT) để hình thành các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT có uy tín của tỉnh.