Bài 2: Vun đắp tình đoàn kết
Qua 20 năm tổ chức Ngày hội, những giá trị cốt lõi đã được phát huy, đó là sự sẻ chia, gắn kết của người dân trong mỗi cộng đồng. Ngày hội là dịp để giao lưu, gặp mặt của các hộ gia đình, bà con hàng xóm, của người bản xứ với những người con xa quê. Ngoài ra, Ngày hội đã tạo sự giao lưu văn hóa đặc sắc giữa các vùng, miền, các dân tộc thiểu số trong tỉnh với nhiều tiết mục văn hóa - văn nghệ do chính người dân trong buôn, làng, tổ dân phố cùng trình diễn.
Những năm gần đây, nhiều địa phương đã đổi mới cả quy mô, nội dung và hình thức tổ chức ngày hội |
Qua 20 năm, ngày hội đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị - xã hội rộng khắp ở các cộng đồng dân cư. Từ đây, đã vun đắp tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh nội sinh góp phần hiện thực hóa các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương.
Từ ý nghĩa của ngày hội cùng với sự sáng tạo, đa dạng trong hình thức tổ chức của mỗi địa phương có nét khác nhau, phù hợp văn hoá, phong tục vùng, miền đã tạo nên những điểm nhấn tích cực; ngày hội dần thấm sâu vào mỗi cộng đồng, phục vụ thiết thực cho nhu cầu cuộc sống Nhân dân. Giá trị của ngày hội không những tôn vinh kết quả của công tác Mặt trận tại mỗi địa phương, mà còn giúp cho hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những thành tựu của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước. Là sự ghi nhận của toàn xã hội về giá trị thiết thực, hiệu quả của các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ các cấp chủ trì, phối hợp phát động. Là sự tin tưởng, trân trọng của cấp ủy, chính quyền đối với kết quả của công tác Mặt trận trong tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của mỗi địa phương, cơ sở và ngay tại địa bàn khu dân cư.
Những năm đầu khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT, các hoạt động tại ngày hội phần lớn chỉ tập trung thực hiện phần lễ, ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam và đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Điểm mới, nổi bật trong tổ chức ngày hội những năm gần đây, ở nhiều địa phương đã chú trọng đổi mới cả nội dung, hình thức, quy mô tổ chức. Quy mô ngày hội được vận dụng linh hoạt ở trong 1 khu dân cư, liên khu dân cư; phần lễ được tổ chức trang trọng hơn, tập trung đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, về phát huy khối đại đoàn kết toàn dân; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tích cực, có cách làm hiệu quả, sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng. Phần hội mở rộng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; chú trọng duy trì phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống của vùng, miền; tổ chức biểu diễn văn nghệ, múa cồng chiêng… qua đó củng cố, tăng cường sự đoàn kết gắn bó của Nhân dân các dân tộc.
Đặc biệt, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của Nhân dân trong tổ chức ngày hội, giúp MTTQ Việt Nam các cấp khẳng định vị thế trong hệ thống chính trị, là cầu nối quan trọng, tin cậy giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; nơi tập hợp, lắng nghe, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân; tăng cường niềm tin chính trị, củng cố đồng thuận xã hội, trở thành động lực to lớn giúp cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh kịp thời đổi mới, sáng tạo đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân.
Đại bộ phận Nhân dân phấn khởi trước những thành quả trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, địa phương; tin tưởng và kỳ vọng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của MTTQ Việt Nam trong công tác tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng chất lượng, hiệu quả, qua đó đã động viên Nhân dân đồng thuận thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; làm nòng cốt để thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”.
Qua 20 năm tổ chức ngày hội, Nhân dân đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, duy trì, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh; giúp đỡ người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, gia đình chính sách; chăm lo sự nghiệp giáo dục, khuyến học, khuyến tài; chăm lo sức khỏe, duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; giữ gìn an ninh trật tự, chấp hành hương ước, quy ước của cộng đồng; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ ngay tại cộng đồng dân cư.
Ông Đàm Xuân Đêu - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện là Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chia sẻ: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước, quê hương giàu mạnh. Tuy nhiên, cần đi sâu tổ chức nhiều nội dung phong phú, đa dạng, sát với người dân ở từng địa bàn khu dân cư hơn nữa, nhất là tăng cường gắn với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để thu hút đông đảo người dân cùng hưởng ứng tham gia. Ngoài ra, cần “tôn vinh, biểu dương” gương điển hình tiêu biểu của tổ dân phố, thôn, buôn làng, vì như thế sẽ khích lệ rất nhanh tinh thần thi đua của Nhân dân. Mặt khác, chúng ta nên tổ chức hài hoà giữa lễ và hội, nhiều nơi chủ yếu làm phần lễ, phần hội rất hạn chế nên chưa thu hút người dân tham gia…
Ông Nguyễn Sỹ Bửu - Bí thư Chi bộ - Tổ trưởng Tổ dân phố 23, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng là “gương sáng đời thường” của huyện và tỉnh chia sẻ: Tổ 23 chúng tôi vinh dự được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khen thưởng vì có thành tích xuất sắc nhân dịp tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/ 2003 - 18/11/2023). Phần thưởng cao quý này nhờ tập thể cán bộ và Nhân dân Tổ dân phố 23 đã đồng lòng, đoàn kết, chung tay cùng chính quyền xây dựng khu dân cư đoàn kết, vững mạnh, kiểu mẫu. Chỉ có sức mạnh mới làm nên thành công, mà sức mạnh có được là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Theo thống kê, nếu như năm 2003, chỉ chọn Phường 2, TP Đà Lạt (điểm cấp xã), khu phố Lâm Viên, Phường 9 - TP Đà Lạt (khu dân cư vùng đô thị), thôn Kim Phát, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (khu dân cư vùng tôn giáo), thôn K’Minh, xã Gung Ré, huyện Di Linh (khu dân cư vùng dân tộc thiểu số) để chỉ đạo điểm cấp tỉnh thì đến năm 2014, toàn tỉnh đã có 100% khu dân cư đã tổ chức Ngày hội, trong đó có 1.209 khu dân cư tổ chức được cả phần lễ và phần hội, thu hút trên 97.000 người tham dự. Điều này cho thấy sức lan toả của Ngày hội, đã thực sự thu hút và đi vào đời sống Nhân dân.
Đến năm 2022, toàn tỉnh đã có 1.367 (100%) khu dân cư tổ chức ngày hội, có 95,4% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, 80,7% khu dân cư tổ chức bữa cơm “đại đoàn kết”; tỷ lệ các hộ gia đình tham dự Ngày hội tại các khu dân cư bình quân đạt 60,4%; tỷ lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về sinh hoạt Ngày hội tại các khu dân cư đạt 80%; có 19 khu dân cư tiêu biểu nổi trội được lãnh đạo Trung ương, tỉnh về dự khen thưởng, tặng quà cho khu dân cư và các hộ nghèo với tổng kinh phí 384,2 triệu đồng.
(CÒN NỮA)