Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) 2023 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho thấy, các giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong hoạt động kinh doanh thông qua khảo sát doanh nghiệp trong cả nước.
• SỬ DỤNG CÁC PHẦN MỀM QUẢN LÝ
Có tới 91% doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát trong tổng số 6.879 phiếu hợp lệ cho biết, có sử dụng phần mềm kế toán tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh, tỷ lệ này có thay đổi một chút so với các năm trước và đây cũng là phần mềm được DN sử dụng nhiều nhất trong những năm qua. Tiếp theo đó là phần mềm quản lý nhân sự (57% DN có sử dụng phần mềm này).
Ngoài ra, nhóm các phần mềm có tính chuyên sâu ở mức cao hơn như quản lý khách hàng (CRM), quản lý chuỗi cung ứng (SCM) và quản trị nguồn lực DN (ERP) đều có tỷ lệ DN sử dụng cũng khá thấp và không có sự thay đổi nhiều so với những năm trước. Về quy mô, các DN lớn có tỷ lệ sử dụng các phần mềm cao hơn hẳn so với nhóm các DN vừa và nhỏ. Đặc biệt, trong nhóm các phần mềm chuyên sâu như SCM, CRM và ERP thì DN lớn có tỷ lệ sử dụng lần lượt là 75%, 66% và 66%, trong khi đó các DN vừa và nhỏ có tỷ lệ sử dụng thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, 84% DN tham gia trả lời khảo sát cho biết, có sử dụng chữ ký điện tử, tỷ lệ này tiếp tục tăng hơn nhiều so với các năm trước. Tương tự như vậy, 45% DN tham gia khảo sát cũng có sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch và tăng hơn so với các năm trước đó. Có 90% DN sử dụng hóa đơn điện tử vào hoạt động kinh doanh (cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 73% của năm 2021). Trong số đó thì với nhóm DN lớn có tỷ lệ sử dụng hóa đơn điện tử là 98%, cao hơn so với tỷ lệ 89% của nhóm DN vừa và nhỏ.
• ĐẶT HÀNG TRỰC TUYẾN VÀ HIỆU QUẢ
Hiện nay, các kênh như mạng xã hội, sàn TMĐT hay website của khách hàng đang có xu hướng phát triển. Mặt khác, đối với các nền tảng di động, khảo sát cho thấy có 73% DN nhận đơn đặt sản phẩm qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Qua đó có thể đánh giá hiệu quả của việc đầu tư vào hoạt động kinh doanh trực tuyến. Năm 2021, ghi nhận nhiều DN tiếp tục cắt giảm chi phí ở mức tối đa để duy trì hoạt động, trong đó có việc cắt giảm chi phí vào hoạt động quảng bá trực tuyến. Tuy nhiên, sang năm 2022, các DN đã bắt đầu tăng lại chi phí quảng cáo trực tuyến. Cụ thể có 3% DN chi trên 500 triệu đồng vào hoạt động quảng bá website/ứng dụng di động trên nền tảng trực tuyến (trong khi đó tỷ lệ này của năm 2021 chỉ là 1%). Mạng xã hội vẫn được đánh giá là kênh đem lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động bán hàng hóa dịch vụ thông qua các kênh trực tuyến (43% DN đánh giá cao hiệu quả đem lại thông qua mạng xã hội). Các kênh như sàn TMĐT, website và ứng dụng di động cũng đem lại hiệu quả tương đối tốt với tỷ lệ được DN đánh giá cao lần lượt là 27%, 26% và 25%.
Trong số DN tham gia khảo sát, 42% DN đánh giá vai trò của TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là tương đối quan trọng, đặc biệt, có tới 16% DN đánh giá vai trò của TMĐT rất quan trọng (cao hơn nhiều so với tỷ lệ 9% đánh giá năm 2021). Xét về quy mô DN thì có 27% DN lớn đánh giá vai trò của TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ở mức "Rất quan trọng", tỷ lệ này gần gấp đôi so với tỷ lệ của nhóm DN vừa và nhỏ (15%).
• HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU
17% DN có sử dụng website/ứng dụng TMĐT để phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu, tỷ lệ này không thay đổi nhiều so với năm 2021. Nhóm DN lớn cao hơn gấp đôi so với nhóm DN vừa và nhỏ trong việc có sử dụng website/ứng dụng TMĐT phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Phần lớn DN đều đánh giá việc sử dụng website/ứng dụng TMĐT phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu là tương đối hiệu quả, năm 2022 còn có tới 18% DN đánh giá việc ứng dụng TMĐT trong hoạt động xuất nhập khẩu ở mức rất hiệu quả.
Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh có tới 69% DN cho biết, họ tự vận chuyển hàng hóa của mình từ cả khâu nhập và xuất hàng, 64% DN sử dụng dịch vụ vận chuyển của bên thứ ba. Đa số DN cho biết, chi phí hoàn tất đơn hàng và giao hàng chặng cuối chiếm dưới 10% doanh thu từ hoạt động TMĐT của DN. Thanh toán tiền mặt và chuyển khoản Internet banking vẫn là hai phương thức thanh toán được DN sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ phần trăm DN có sử dụng hai phương thức này năm 2022 đều là 89%.
• LỢI ÍCH TỪ WEBSITE CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, DỊCH VỤ CÔNG
Khảo sát năm 2022 cho thấy, có 36% DN thường xuyên tra cứu thông tin trên website của các cơ quan nhà nước (cao hơn một chút so với năm trước), 60% DN thỉnh thoảng tra cứu thông tin và vẫn có 4% DN chưa bao giờ tra cứu các thông tin này. DN lớn vẫn là nhóm có tỷ lệ thường xuyên tra cứu thông tin trên website của các cơ quan nhà nước cao hơn hẳn so với nhóm các DN vừa và nhỏ (58% DN lớn thường xuyên tra cứu thông tin trong khi tỷ lệ này ở DN vừa và nhỏ là 33%). Bên cạnh đó, 86% DN tham gia khảo sát cho biết, đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục đăng ký, cấp phép, khai báo… được cung cấp trên website của các cơ quan nhà nước, tỷ lệ này cũng tăng lên so với năm trước. Trong số các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp thì khai báo thuế điện tử được DN sử dụng nhiều nhất (87% có sử dụng), tiếp sau đó là dịch vụ đăng ký kinh doanh (65% có sử dụng).
Đáng chú ý, trong số các DN đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì có 59% DN đánh giá rất có ích, 40% đánh giá ở mức tương đối có ích và chỉ 1% đánh giá không có ích. Đây cũng là một tỷ lệ rất tốt thể hiện chất lượng các dịch vụ công đang được cung cấp hiện nay.