(LĐ online) - Khi nhắc đến Đà Lạt, nhất là về khái niệm đô thị di sản, điều mọi người thường quan tâm chính là hệ thống kiến trúc và cảnh quan. Nhưng, nói vậy không đủ. Những giá trị kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó tồn tại trong một không gian nhân văn mà con người- với tất cả các mối quan hệ của chủ thể này, mới là thành tố chủ đạo và dự phần trọng yếu trong việc quy định kết cấu đô thị.
Đà Lạt được xác định từ đầu và xuyên suốt là một thành phố nghỉ dưỡng. Ảnh: Chính Thành |
Lịch sử của mỗi đô thị khác nhau bắt đầu ở cách mà nó ra đời. Nhiều thành phố ở Việt Nam sinh thành và phát triển theo lộ trình “từ làng lên phố”, Đà Lạt thì khác, ngay từ đầu đã được kiến tạo bởi ý tưởng về một đô thị xác định rõ công năng với sự hoạch định quy mô, quy hoạch, kiến trúc, bố trí dân cư một cách khá bài bản. Đô thị được hình thành dựa trên yếu tố tiên quyết là tài nguyên thiên nhiên; từ đó, Đà Lạt được xác định từ đầu và xuyên suốt là một thành phố phục vụ nghỉ dưỡng. Người Pháp muốn và họ đã tạo nên một phố thị mang dáng dấp châu Âu giữa vùng Á Đông nhằm giúp những người da trắng thực dân khuây khỏa phần nào nỗi nhớ “mẫu quốc”. Điều đó đã quyết định hình thái cấu trúc không gian, thể loại và kiến trúc đô thị.
Kiến trúc - bộ phận văn hóa vật thể cơ bản của đô thị Đà Lạt là sản phẩm của các kiến trúc sư nổi danh và cả những nhà kiến trúc trẻ Pháp quốc đương thời tìm đất mới để thực hiện giấc mơ cách tân, sáng tạo. Qua các thời kỳ, thành phố đã được quy hoạch chi tiết, được điều chỉnh và tôn trọng. Các viên Toàn quyền Đông Dương qua các nhiệm kỳ như Paul Doumer, Jean Baea, Albert Sarraut hay Jean Decoux… dù là phục vụ cho mục đích cai trị nhưng cũng đã ban hành và thúc đẩy những kế hoạch phát triển Đà Lạt trong thời kỳ đầu; từ đó đã tạo nên diện mạo của một đô thị “có một không hai” ở xứ nhiệt đới.
Đà Lạt mang dáng nét kiêu sa quyến rũ phảng phất từ không gian khoáng đạt, từ bầu khí hậu và cả từ tâm tính hiền hòa của con người. Ảnh: Chính Thành |
Như một mẫu mực về cách kiến tạo ra một đô thị hoàn toàn mới và độc đáo trên nền tảng nguồn lực tự nhiên ở vùng Viễn Đông, Đà Lạt từng được gọi với nhiều mỹ danh; không gian ấy là không gian đa tình, đa tâm trạng. Từ thực thể thiên nhiên đa dạng, dáng vẻ mộng mơ, con người đã “nương theo” để dựng lên linh hồn của thành phố bằng giá trị kiến trúc. Toàn quyền Paul Dumer và các nhà cai trị khác muốn Đà Lạt là một thành phố toàn vẹn, mang dáng dấp một đô thị vùng cao Pháp quốc. Bởi vậy, họ đã huy động nhiều nhà quy hoạch, kiến trúc và giám sát nghiêm ngặt quá trình kiến thiết. Năm 1921, kiến trúc sư Ernést Hébrard được giao nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Thực hiện ý đồ của nhà cầm quyền đương thời là xây dựng Đà Lạt thành “thủ phủ” của Đông Dương, tư tưởng chủ đạo của kiến trúc sư này là tập trung xây dựng công trình quanh các hồ. Theo đó, có các khu hành chính, quân sự, bệnh viện, trường học, thao trường, đồn điền, khu nhà ở người Âu, khu nhà ở người Việt, khu phát triển cho người Pháp, khu an dưỡng, khu chợ… Sau Hébrard, còn có thêm đồ án của các kiến trúc sư Louis G.P.Pino (1933), Mondet (1940) rồi J.Lagisquet (1942). Đặc điểm chung của các đồ án trên là tôn trọng thiên nhiên, cố gắng duy trì vẻ đẹp của cảnh quan. Và như vậy, từ một vùng rừng núi hoang dã, các kiến trúc sư thời đó đã thổi vào vùng đất này một linh hồn bằng hệ thống các công trình đạt đến độ hoàn mỹ, hoàn thiện. Di sản kiến trúc phối cảnh giữa thiên nhiên Đà Lạt mang dáng nét kiêu sa quyến rũ. Nét kiêu sa ấy phảng phất từ không gian khoáng đạt, từ bầu khí hậu và cả từ tâm tính hiền hòa của con người.
* * *
Như phân tích của nhiều chuyên gia: Chính tài nguyên thiên nhiên và quỹ kiến trúc đô thị vô song ấy đã thúc đẩy và gạn lọc ra một lối sống, có thể nói, một dạng văn hóa thị thành đặc trưng của Đà Lạt. Mặc dù giá trị nhân văn chủ yếu tồn tại dưới dạng một khái niệm trừu tượng và cách bảo tồn hệ giá trị này phải là kiểu bảo tồn đặc biệt; nhưng chung quy lại, đó chính là sự tiếp nối, không đứt mạch trong quá trình kế thừa nguồn “gen” văn hóa - con người của một đô thị đặc biệt. Văn hóa con người Đà Lạt mới chính là hệ thống di sản hồn cốt nhất, quý giá nhất của đô thị Đà Lạt.
Huy động các giác quan và trí tưởng tượng, theo dòng cảm thức cá nhân, tôi thích cách dùng chữ của một nhà đô thị học về số phận các đô thị là “những thành phố trôi dạt”. Theo lý thuyết đó, Đà Lạt được hình thành từ tư tưởng thực dân và tư tưởng ấy “trôi dạt” từ Âu châu qua. Hình thái quy hoạch, không gian và kiến trúc được khởi dựng từ sự mô phỏng trước khi là sản phẩm sáng tạo, và vì vậy, đó là sự “trôi dạt” từ một nền văn minh ngoại lai đến áp đặt ở vùng nhiệt đới có điều kiện tự nhiên tương tự. Vấn đề cư dân cũng là một dữ liệu rõ nét.
Dân cư Đà Lạt được hội tụ từ nhiều nguồn khác nhau, xuất xứ cố hương khác nhau. Ảnh: Chính Thành |
Dân cư Đà Lạt được hội tụ từ nhiều nguồn khác nhau, xuất xứ cố hương khác nhau, thậm chí là những quốc tịch khác nhau, có sự biến động và xáo trộn trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Họ vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là sản phẩm của lịch sử và có thể là nạn nhân của lịch sử. Một bộ phận cư dân được hình thành bởi các chương trình di cư có tổ chức theo chương trình phát triển đô thị nhưng hầu hết các khu dân cư được thiết lập tự phát, hình thành tự nhiên theo nhu cầu của các bộ phận người dân nhập cư.
Có những thành phần cư dân đến đây làm “ông chủ” tạm thời rồi ra đi mãi mãi. Có những phận người “trôi dạt” từ phương xa đến tìm cơ hội mưu sinh ở một đô thị mới khởi lập có nhiều việc làm. Có những con người tha phương cầu thực rồi trao thân cho đất đai phố núi. Có những nhóm người gánh gồng cả làng, cả họ đến đây bởi biến động lịch sử và đã chọn đất này làm quê hương cho con cháu của mình. Có người chọn Đà Lạt, vùng đất bình yên hơn, để trốn tránh binh đao, tao loạn. Có người tìm chốn thanh tịnh để tu hành và cũng có người tìm chỗ nghiên cứu, học hành. Có người là binh lính phía địch, có người là chiến sĩ tranh đấu phía ta. Có người đến như một mặc khách rồi trở thành cư dân đô thị cao nguyên chỉ bởi vì quá yêu những mùa sương tháng giá. Mỗi một cá nhân tìm đến nơi chốn này bằng một động cơ riêng và mang theo một tâm cảnh riêng. Và bởi vậy, con người- suy cho cùng- cũng là một thành tố “trôi dạt” của đô thị như cách mà đô thị hình thành từ hình thái “trôi dạt”. Như vậy, có thể khẳng định, Đà Lạt là một trong những đô thị ở Việt Nam mang dấu ấn rõ nét tâm thức di dân. Tâm thức di dân là một bộ phận cấu thành, hình thành và khẳng định văn hóa con người Đà Lạt từ thuở khởi lập đô thị cho đến ngày hôm nay.
* * *
Trong không gian liên tưởng về “đô thị trôi dạt”, chúng ta dẫn dắt cảm xúc trở về với miền ký ức của Đà Lạt những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX để cùng hình dung buổi sơ khai lập phố:
Trong những túp nhà gỗ ven đồi thời tiền khởi lập đô thị còn nhiều hoang vu mà chúng tôi được xem trong bức ảnh tư liệu ghi thời điểm 1901, người ta nói có khoảng một chục người Việt đã sống ở đó. Họ có mặt trước khi ông kiến trúc sư Ernest Hébrard thực hiện đồ án quy hoạch đầu tiên cho Đà Lạt vào năm 1924. Họ có mặt khi nơi này chỉ mới có vài người Âu xách vali từ phương xa đến. Có thể kể tên ông Paul Champoudry, thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt vị thị trưởng không dân. Champoudry từng là ủy viên Hội đồng thành phố Paris nhưng thất bại trong cuộc bầu cử năm 1896, được Toàn quyền Paul Doumer kéo qua Đông Dương và bổ nhiệm làm người đứng đầu vùng đất trinh nguyên này từ năm 1901 đến 1908. Cùng với thị trưởng chỉ có một kế toán, vài hiến binh, một nhân viên thuế quan và bưu điện viên. Gia đình Khâm sứ Trung kỳ đương nhiệm Jean Auvergne cũng kịp chiếm một trong những căn nhà đầu tiên trên vùng phố bắt đầu khởi lập hòng làm nơi nghỉ ngơi khi mùa hè miền Trung bức bối. Ghi chép của một người Pháp tên là Pierre Duclaux vào năm 1908 đã mô tả rất sinh động về giai đoạn này: “Đà Lạt! Tám hay mười mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn bằng ván thô sơ dành cho lữ khách…Còn cư dân? Vài chục người Việt bị đày, vài khách người Âu đi công tác hay trắc địa, những người thợ săn hay lữ khách hiếm hoi cùng đoàn tùy tùng… Cư dân phải chống lại cọp, beo có rất nhiều ở khắp vùng…”.
Từ bước đầu với sự ghi nhận số lượng cư dân ít ỏi đó, Đà Lạt bắt đầu hình thành dần những khu dân cư, và dân số đô thị tăng dần. Cộng đồng cư dân đã phát triển theo quá trình hình thành và phát triển thành phố. Dân số Đà Lạt không những thay đổi theo tự nhiên mà còn tăng hoặc giảm cơ học từ những biến động của lịch sử, chính trị và cả những thay đổi của cơ cấu tổ chức hành chính qua từng thời kỳ. Có thể khái quát lại 6 thời kỳ quan trọng gắn liền với những biến động thời cuộc: Giai đoạn hình thành đô thị từ 1900-1914; tiếp đó là các giai đoạn 1915-1939, 1940-1945, 1945-1954, 1954-1975 và từ 1975 đến nay. Đà Lạt có đặc điểm khá riêng biệt, không giống nhiều đô thị trong nước là có một cộng đồng cư dân với nguồn gốc đa dạng, phong phú. Ở thành phố chúng ta, nhóm cư dân người Việt, người Âu, người Hoa và các tộc người thiểu số phía Bắc đều là những nhóm đến sau do biến động của lịch sử, đã cùng tụ cư với nhóm cư dân bản địa từng sinh sống lâu đời giữa miền đất cao nguyên Lâm Viên này…
(Còn tiếp)