PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CON NGƯỜI ĐÀ LẠT
(LĐ online) - Với loạt bài này, chúng tôi đã thu nhặt những câu chuyện cũ nhằm ngõ hầu hệ thống lại một số thông tin, luận chứng mà nhiều người đã biết. Tuy nhiên, nhắc lại không chỉ để hoài niệm những ngày tháng cũ. Mục tiêu quan trọng là xây dựng mẫu văn hóa con người Đà Lạt ngày càng hoàn thiện; phù hợp với giai đoạn phát triển mới của quê hương, đất nước và thời đại. Đặc biệt, cư dân Đà Lạt ngày nay phải có những bước tiến mới nhằm phù hợp với quy mô và tính chất của một “thành phố thông minh”, một đô thị thành viên tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, một “thành phố văn hóa” như chúng ta kỳ vọng và đang trong quá trình chung tay kiến tạo.
Cư dân Đà Lạt là một cộng đồng cư dân có nền văn hóa đa dạng, phong phú; nền văn hóa đó được kế thừa, phát huy từ hệ thống giá trị văn hóa của đồng bào bản địa và văn hóa vùng miền của các dòng nhập cư. Ảnh minh họa: Chính Thành |
Đà Lạt là một xứ sở mang nhiều dấu ấn khác biệt nhìn ở nhiều góc độ. Trong đó, cách hình thành dân cư, các đặc điểm cư dân đô thị và văn hóa con người của thành phố cao nguyên này cũng là một tiến trình không giống với nhiều đô thị khác. Vẫn biết rằng, đã có và sẽ có rất nhiều xô lệch, tàn phá bởi thời gian; cũng đã xảy ra những méo mó từ biến động thời cuộc. Đó là một thực tế khó cưỡng. Nhưng nhìn trên tổng thể, người dân ở xứ sở này chưa bao giờ phai nhạt và lãng quên ký ức của nơi chốn mà mình ký thác cũng như không phai nhạt và lãng quên những vọng niệm buồn vui của mỗi đời người. Đời phố, đời người hòa lẫn trong nhau, hiện hữu trong một mối quan hệ hữu cơ, máu thịt. Và bởi vậy, những giá trị văn hóa đã được xây đắp, dưỡng nuôi vẫn luôn có đất để tồn tại, vẫn có đời sống riêng trong những tâm hồn hướng thượng và tri ân quá khứ.
Cùng với những thăng trầm, biến động của lịch sử đất nước và đô thị Đà Lạt nói riêng, trong hành trình hàng thế kỷ qua, tuy những nét tính cách chung của người Đà Lạt có lúc bị xáo trộn, cộng thêm với một số người vì chạy theo những tính toán thực dụng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến những giá trị tâm hồn đã khá ổn định. Song, bộ phận lớn người dân Đà Lạt luôn luôn có ý thức trong việc bảo vệ những phẩm chất tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục và bảo tồn, phát huy những nét đẹp vốn có trong tính cách theo dòng thời gian. Người già níu giữ những giá trị truyền thống đã được hình thành trong quá trình đắp xây xứ sở. Những người trẻ hôm nay có niềm tự hào riêng. Họ đã coi đô thị cao nguyên là nơi cắt rốn, chôn rau; họ chung dòng ký ức khi đưa bước chân trở về với dấu chân cha ông một thuở, thuở lưu dân - di dân ngơ ngác trên hành trình tạo dựng đô thị với muôn nỗi gian nan.
Cố Giáo sư Hồ Tấn Trai - nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn (Đại học Đà Lạt) đã khái quát: “Ở Đà Lạt, con người vẫn giữ được nhiều cái hồn nhiên, thật thà, cái tính thiện, lòng nhân ái. Đà Lạt là một miền đất hiếm có, nơi có sự gần gũi giữa lời nói và hành vi ứng xử, với hoạt động xã hội, chính trị với truyền thống nhân nghĩa Việt Nam, là miền đất cảnh đẹp, người hiền… Đồng thời, người Đà Lạt luôn giữ lối sống trung hiếu, kiên trinh, giàu ý chí và nghị lực như mẹ Âu Cơ hiện ra với chúng ta dưới vóc dáng núi Bà…”.
Từ đặc điểm lịch sử khác biệt trong quá trình hình thành dân cư Đà Lạt, lý do di cư, các giai đoạn di cư và cách tổ chức định cư cũng không giống nhau, ở đô thị cao nguyên vừa có yếu tố quần cư, tụ cư vừa có yếu tố cộng cư, hợp cư. Tuy nhiên, bởi hoàn cảnh chung là những bộ phận di dân, cộng thêm với đặc điểm địa hình, cảnh quan, khí hậu, không gian kiến trúc và nhiều yếu tố khác tác động, các cộng đồng cư dân Đà Lạt (thuộc các nhóm người) đã có sự điều hòa, thích nghi, hội nhập phù hợp. Từ đó, tạo nên những nét tính cách chung, khá ổn định về văn hóa con người Đà Lạt.
Cư dân Đà Lạt có khả năng tiếp cận nhanh khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhất là khoa học - công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Chính Thành |
Đã có nhiều nghiên cứu về văn hóa con người Đà Lạt, nhưng tựu trung lại, có thể khái quát bằng một mệnh đề là văn hóa con người Đà Lạt là “văn hóa con người Việt Nam sinh sống tại Đà Lạt” đã được tạo nên, cộng sinh thêm những giá trị mới từ quá trình kế thừa, giao lưu, tiếp biến và hội nhập. Trên tinh thần đó, có thể khái quát một số phẩm chất chung của cư dân Đà Lạt:
Là một cộng đồng cư dân có tinh thần yêu nước nồng nàn; kiên cường, dũng cảm, bất khuất trong các cuộc đấu tranh vệ quốc; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất và tổ chức cuộc sống; có tinh thần trách nhiệm cao trong sự nghiệp xây dựng, phát triển cộng đồng, xã hội và đất nước.
Là một cộng đồng cư dân đề cao đạo lý; nghĩa tình, thủy chung, sống tử tế, biết ơn; hiền hòa, thanh lịch, quý khách. Con người Đà Lạt phù hợp với kinh doanh dịch vụ và sản xuất nông nghiệp đô thị (chân thành, thật thà, ít đưa đẩy, không chuộng hình thức…) Chính vì vậy, Đà Lạt sớm hình thành đô thị du lịch - dịch vụ, và có cơ hội xây dựng, phát triển một đô thị du lịch - dịch vụ mang tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời, đã được tạo tiền đề từ rất sớm và nhiều thế mạnh để tổ chức các phương thức canh tác hiện đại, vùng sản xuất chuyên canh tập trung và tạo tập quán mưu sinh văn minh, hiệu quả cao.
Là một cộng đồng cư dân có lối sống giản dị, nhẹ nhàng, lịch thiệp, lãng mạn, yêu thương. Người Đà Lạt ứng xử không khuôn phép nhưng phải phép, ít đua chen, ít ăn thua, hãnh tiến, ngạo mạn, ít có sự va chạm, đôi co, ít tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”.
Là một cộng đồng cư dân hiếu học, luôn ưu tiên những điều kiện tốt nhất cho sự học của thế hệ trẻ; có tinh thần ham học hỏi, có khả năng tiếp cận nhanh khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhất là khoa học - công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.
Là một cộng đồng cư dân có nền văn hóa đa dạng, phong phú; nền văn hóa đó được kế thừa, phát huy từ hệ thống giá trị văn hóa của đồng bào bản địa và văn hóa vùng miền của các dòng nhập cư.
Dựa trên các tiền đề đó, có thể xây dựng các bộ quy chuẩn về giá trị văn hóa con người Đà Lạt; phát huy các giá trị tốt đẹp đã ổn định; bổ sung những giá trị mới, tiến bộ; hạn chế những biểu hiện tiêu cực như hãnh tiến, thực dụng, đố kỵ, bảo thủ…
Mục tiêu quan trọng là xây dựng mẫu văn hóa con người Đà Lạt ngày càng hoàn thiện; phù hợp với giai đoạn phát triển mới của quê hương, đất nước và thời đại; đặc biệt là phù hợp với quy mô và tính chất của một “đô thị thông minh”, một đô thị thành viên tham gia tích cực Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, một “thành phố văn hóa” như chúng ta kỳ vọng và đang trong quá trình chung tay kiến tạo. Đó cũng là nội dung chủ yếu mà chúng ta hướng tới trong việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa mà Hội nghị văn hóa toàn quốc (tổ chức ngày 24 tháng 11 năm 2021) đặt ra cũng như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc…”.