VOV.VN - 63% doanh nghiệp châu Âu được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý, có tới 31% xếp Việt Nam trong top 3; 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất.
Khẳng định niềm tin của châu Âu đối với Việt Nam
Sách trắng 2024 vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố tại Hà Nội sáng nay (16/1) có chủ đề "Thúc đẩy đầu tư cho một nền kinh tế xanh và bền vững". Đây là một bản tóm tắt hợp tác đưa ra các khuyến nghị nhằm khuyến khích các ưu tiên đầu tư và thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.
Ấn phẩm Sách trắng 2024 cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, học giả và các bên liên quan khác của Việt Nam và châu Âu góc nhìn thực tế về các vấn đề kinh tế quan trọng. Thông qua việc cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận giữa các nhóm quyền lợi khác nhau, Sách trắng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các sáng kiến và chiến lược đầu tư trong tương lai giữa Việt Nam và châu Âu.
Việt Nam có sức hấp dẫn lớn trong thu hút FDI. (Ảnh minh họa: KT)
Tại Lễ ra mắt Sách Trắng 2024, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit đánh giá, dù kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện khả năng phục hồi, linh hoạt. Dấu hiệu quan trọng của điều này là đầu tư của châu Âu vào Việt Nam gia tăng. Cụ thể, Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD. "Điều này nhấn mạnh niềm tin của châu Âu đối với Việt Nam", ông Gabor Fluit nói.
Ấn bản Sách Trắng 2024 có sự đóng góp ý kiến từ 19 Tiểu ban ngành của EuroCham. Mỗi Tiểu ban này hoạt động như một nhóm chuyên gia tập trung, đưa ra kiến thức chuyên sâu và đưa ra khuyến nghị cho các chính sách trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế kỹ thuật số đến các sáng kiến tăng trưởng xanh, bền vững.
Theo Sách Trắng 2024, môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến FDI hàng đầu của họ. 31% đánh giá Việt Nam là một trong 3 mục tiêu đầu tư hàng đầu, trong đó 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất. Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vào cuối năm nay.
Ấn bản Sách Trắng 2024 có chủ đề "Thúc đẩy đầu tư cho một nền kinh tế xanh và bền vững"
Cải thiện thu hút FDI
Tuy nhiên, vẫn còn đó những trở ngại, 59% ý kiến cho rằng, những khó khăn về hành chính là thách thức chính của họ khi hoạt động tại Việt Nam như sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, các trở ngại trong việc xin phép, các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài cũng là những rào cản nổi bật.
Để cải thiện thu hút FDI của Việt Nam, Sách trắng đưa ra các khuyến nghị, cần tinh giản bộ máy hành chính là giải pháp mấu chốt, ủng hộ việc tăng cường môi trường pháp lý, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và nhấn mạnh việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực, giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài.
Ông Julien Guerier, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam kỳ vọng thương mại và hàng hoá giữa EU và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. "Cam kết của phái đoàn Liên minh Châu Âu và của các quốc gia thành viên trong việc phối hợp chặt chẽ với các đối tác phía Việt Nam để có thể thúc đẩy việc thực hiện hiệp định EVFTA. Đồng thời đảm bảo rằng chúng ta có thể tiếp tục thúc đẩy tiềm năng để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai bên mang lại lợi ích cho cả hai bên", ông Julien Guerier nói.
Ông Julien Guerier, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
Về cải cách quy định, thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, năm 2023, 628 quy định kinh doanh đã được cắt giảm tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2024, ít nhất 20% thủ tục hành chính nội bộ và 20% chi phí tuân thủ sẽ được cắt giảm, đơn giản hoá. Đến 2025, mục tiêu hoàn thành phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực.
Ông Ngô Hải Phan đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tạo rào cản, định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ.