Thấu hiểu được nỗi vất vả, lo toan của các gia đình, các em học sinh có hoàn cảnh, điều kiện khó khăn trong việc học hành; thầy, cô giáo Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Văn Trỗi (thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) đã cùng nhau gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch từng luống rau, trái ớt, khóm dứa... để rồi bán gây quỹ giúp đỡ các em.
Thầy, cô giáo và học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cùng nhau chăm sóc 500 gốc dứa đang cho lứa quả đầu tiên |
Tận dụng khoảng đất trong khuôn viên nhà trường; ngay từ đầu năm học 2022-2023; các thầy, cô giáo đã có ý tưởng tận dụng để trồng rau, ớt Peru. Mọi công đoạn từ cải tạo đất, lên luống, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đều do các giáo viên cùng học sinh thực hiện. Qua đó, ngày càng gắn bó thêm tình cảm giữa thầy cô và học trò; tạo cho các em học sinh có nơi rèn luyện và tạo sự thích thú với công việc thường ngày của nhà nông; rèn luyện các kỹ năng sống; tập được tính kiên nhẫn, tỉ mỉ trong học tập cũng như công việc.
Năm học 2022-2023, từ trồng rau và bán ớt Peru nhà trường thu được hơn 12 triệu đồng; số tiền này đã được sử dụng để trao 23 suất học bổng, hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy số tiền từ thu hoạch nông sản không lớn nhưng đây là một việc làm thiết thực nhằm nâng bước các em đến trường; giúp các em học sinh khó khăn, học sinh đồng bào DTTS vơi bớt nhọc nhằn trên con đường tìm kiếm tri thức.
Thầy giáo Phùng Quang Thành - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Từ sự thành công bước đầu của một vụ trồng rau và ớt; năm học 2023-2024, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì trồng rau và trồng thêm 500 cây dứa để thu hoạch quả. Hy vọng với sự chăm sóc chu đáo của thầy, trò sẽ có một vụ mùa bội thu, giúp đỡ được nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào DTTS hơn nữa. Năm vừa qua, nhà trường trồng ớt Peru nhưng chỉ phục vụ nhu cầu bán làm ớt cảnh; năm nay thầy, trò chuyển đổi sang trồng dứa, vì đây là cây sống lâu năm; việc chăm sóc, thu hoạch cũng khá dễ dàng.
Hiện nay, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi có 670 em học sinh, 17 lớp học từ khối lớp 6 đến khối lớp 9; số học sinh là đồng bào DTTS khoảng 40 em. Những năm qua, chất lượng giảng dạy, học tập không ngừng được nâng cao; nhiều thầy cô giáo và học sinh đạt được các giải thưởng trong các kỳ thi, hội thi. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên có kế hoạch phân công cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chăm sóc cây bóng mát, vườn hoa, cây cảnh, bố trí các loài hoa tự nhiên, chậu cảnh ở sân trường, khu làm việc, lớp học phù hợp, đảm bảo thẩm mỹ. Tổ chức tốt các hoạt động dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, hàng tuần nên sân trường, lớp học, phòng làm việc; khuôn viên sạch sẽ, thoáng đãng, hệ thống cây xanh được chăm sóc, cắt tỉa cành gọn gàng...
Nói về việc trồng cây gây quỹ, cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Bí thư Chi đoàn Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết thêm,Chi đoàn được nhà trường giao phụ trách công tác trồng và chăm sóc khu vườn. Tuy nhiên, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, các thầy cô giáo đều xắn tay, mỗi người mỗi việc để làm sao vụ thu hoạch nào cũng cho ra các loại nông sản tốt nhất. Các đoàn viên, giáo viên như: Lê Thị Xanh, Nguyễn Xuân Hải, Lê Thùy An, Nguyễn Thị Hương, Đỗ Thị Ngọc Bích... cùng các em học sinh luôn tận tâm, tận lực để chăm sóc cho cây trồng.
Thời gian trồng và chăm sóc rau chủ yếu là những ngày nghỉ, sau giờ học. Hằng ngày, hằng tuần, giáo viên và học sinh sẽ tự phân công nhiệm vụ, người thì tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu, bón phân... Háo hức bên những luống rau xanh tốt, khóm dưa đang bắt đầu cho những quả đầu mùa, các em học sinh cảm thấy rất hào hứng bởi đây là những thành quả có phần công sức của mình tạo nên. Kể từ đây, các em có thêm những kinh nghiệm về làm việc nhóm, phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ và hơn hết là giúp đỡ được một phần cho các bạn cùng trang lứa.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngọc, việc trồng rau, ớt, dứa trong khu đất nhà trường không chỉ giúp nhà trường có nguồn quỹ để thực hiện các chương trình trao học bổng, mua Bảo hiểm y tế, dụng cụ học tập mà còn trau dồi kỹ năng sống, giúp các em tạo tính tự lập, yêu thích lao động, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Hoạt động này giúp các em trải nghiệm thực tế; khi học các môn khoa học tự nhiên thì các em đã có ngay mảnh vườn để thực hành và theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Mặt khác, việc thành lập khu vườn cũng được nhiều người dân địa phương, mạnh thường quân ủng hộ các loại giống. Sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng được chính các thầy cô giáo, phụ huynh, một số gia đình lân cận đặt mua. Có thể khẳng định rằng, tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, từ khu vườn nhỏ, “thầy cô trồng rau, học trò hái chữ”; hiện nay, vụ dứa đầu tiên đã bắt đầu cho những trái mới, một miền ngon ngọt, thơm thảo khi thầy, cô giáo học trò cùng đồng sức, đồng lòng vì ngày mai tươi sáng.