Lâm Đồng là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc Mạ, K’Ho, Churu - ba trong những chủ nhân sáng tạo nên Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Những năm qua, câu lạc bộ (CLB), đội nhóm cồng chiêng “nở rộ” đã không ngừng lan tỏa giá trị, vẻ đẹp và làm cho văn hóa cồng chiêng trường tồn.
Việc "nở rộ" các CLB cồng chiêng tạo nên không gian văn hóa truyền thống rộng lớn |
Nếu cách đây hơn 5 năm, toàn tỉnh chỉ có 16 CLB cồng chiêng hoạt động phục vụ du khách dưới chân núi Lang Biang, thì đến nay, toàn tỉnh đã có 92 CLB cồng chiêng các dân tộc với gần hơn 2.000 thành viên tham gia sinh hoạt (1.096 nam, 875 nữ). Cụ thể: Bảo Lâm 25 CLB, Di Linh 16 CLB, Lạc Dương 15 CLB, Đơn Dương 10 CLB, Cát Tiên 6 CLB, Đạ Tẻh 6 CLB, Đức Trọng 5 CLB, Lâm Hà 5 CLB, Đạ Huoai 4 CLB...
Về thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông những ngày này, tiếng cồng chiêng rộn ràng thôn buôn. Ông Cil Ha Nếu - Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB ra đời từ hơn 2 năm nay quy tụ được 35 thành viên từ 24-75 tuổi. Ba nghệ nhân Cil Ha Sung (73 tuổi), Ndu Ha Biêng (58 tuổi), Ndu Ha Bông (56 tuổi) là những người am hiểu kỹ năng trình tấu diễn xướng đã tận tụy truyền dạy tất cả các bài bản cồng chiêng cho các thành viên trẻ. Nghệ nhân trẻ Bon Jang K’Sinh thì truyền dạy các vũ điệu xoang, các làn điệu dân ca, dân vũ học được từ mẹ, từ bà cho chị em. Mới đây, CLB được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh hỗ trợ một bộ chiêng 6 và trang phục biểu diễn tạo điều kiện để CLB phát triển. Khi Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Đam Rông hoàn thành, sẽ là nơi để CLB giới thiệu vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với bạn bè, góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở vùng sâu Đam Rông.
CLB Cồng chiêng thôn K’Rọt Dờng, xã Bảo Thuận (Di Linh) có 20 thành viên thường xuyên tập luyện dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân ưu tú K’Berl. Ông truyền dạy cho các thành viên trong đội từng động tác, cách cầm chiêng, sự cảm âm và phân biệt của từng cái chiêng trong bộ chiêng 6, hướng dẫn cách đánh cho chiêng ngân vang, có hồn cùng 6 bài bản chiêng cổ truyền làm cho buôn làng luôn âm vang tiếng chiêng. CLB Cồng chiêng thôn K’Rọt Dờng giữ nguyên âm điệu của cha ông truyền lại, vào những buổi sinh hoạt, tập luyện thu hút người lớn trẻ con đến xem.
CLB Văn hóa cồng chiêng thôn Ma Am và thôn Sóp, xã Đà Loan (Đức Trọng) thu hút đến 59 thành viên (21 nam, 38 nữ). CLB đều đặn sinh hoạt tập luyện hàng tuần, không chỉ được 2 nghệ nhân ưu tú trong huyện là Ya Ba, Ya Đồng truyền dạy từng âm điệu trong bộ chiêng 3 của người Churu, mà các thành viên trong CLB còn được học các nhạc cụ dân tộc như trống da trâu, khèn bầu. Bên cạnh đó, những điệu múa Arya uyển chuyển, nhịp nhàng cũng được hồi sinh hòa quện vào thanh âm điệu say đắm lòng người.
Các CLB cồng chiêng hoạt động sôi nổi đã tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống rộng lớn quy tụ đông đảo nhiều người, nhiều thế hệ cùng tham gia, thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi như giao lưu, hội diễn, hội thi, liên hoan, tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện của xã, của thôn, đáp ứng đời sống tinh thần của cộng đồng. Ở đó, đồng bào vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể hưởng thụ văn hóa cồng chiêng. Các CLB không chỉ thiết thực gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo môi trường truyền dạy cho thế hệ kế tục.
Việc “nở rộ” CLB cồng chiêng là kết quả của sự nỗ lực thực hiện có hiệu quả Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện mục tiêu đề ra “Mỗi buôn làng một CLB cồng chiêng”, những năm qua, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã không ngừng mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, đồng thời trao tặng nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, hỗ trợ hoạt động cho 67 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ riêng năm 2023, Sở đã tổ chức 19 lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho gần 600 thanh thiếu niên Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông, S’tiêng; trao tặng cấp phát 29 bộ cồng chiêng cho các CLB. Sau khi mỗi lớp truyền dạy cồng chiêng kết thúc sẽ là nền tảng cho một CLB cồng chiêng ra đời. Các thành viên tham dự lớp học (30 người) tiếp tục tập luyện, sinh hoạt đều đặn với sự dẫn dắt của các nghệ nhân, sự quan tâm của chính quyền địa phương hỗ trợ thành lập CLB, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở.
Để các CLB cồng chiêng hoạt động bài bản, Sở cũng hỗ trợ 15 nghệ nhân ưu tú được Chính phủ công nhận, tạo điều kiện để các nghệ nhân lưu truyền, phổ biến, đào tạo bồi dưỡng lớp người kế cận; xây dựng mô hình CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng di dân tái định cư ở Đam Rông, Đức Trọng; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại 24 thôn; hỗ trợ trang thiết bị cho nhà văn hóa tại 16 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K'Ho tại thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais (Lạc Dương); thôn K’Long Trao 1, xã Gung Ré (Di Linh) đã được triển khai thực hiện, trong đó xây dựng CLB cồng chiêng làm nòng cốt. Hàng năm, Sở VH-TT-DL tổ chức Liên hoan CLB Văn nghệ dân gian và Ngày hội văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, tại tỉnh để các CLB cồng chiêng có điều kiện giao lưu, biểu diễn, nâng cao kỹ năng trình tấu, diễn xướng.
Trong năm 2024, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng tiếp tục mở 4 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 120 thanh thiếu niên dân tộc K’Ho, Churu tại các huyện Đam Rông, Đơn Dương, Di Linh, Đức Trọng. Sau khi truyền dạy, các lớp học sẽ trở thành những CLB cồng chiêng, duy trì hoạt động, làm phong phú đời sống văn hóa ở các buôn làng.