Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Xây dựng nhãn hiệu cộng đồng cho hạt "Mắc ca Lâm Đồng"

  • 14/05/2024
  • s 08:53

Sau gần 20 năm bén rễ và phát triển trên đất Lâm Đồng, cây mắc ca đang từng bước khẳng định tiềm năng, thế mạnh, trở thành nông sản đặc trưng của địa phương. Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” nhằm đưa hạt mắc ca vươn ra thế giới.

Các chuyên gia đánh giá cảm quan để tìm ra đặc trưng của hạt mắc ca Lâm Đồng phục vụ xây dựng nhãn hiệu cộng đồng

Các chuyên gia đánh giá cảm quan để tìm ra đặc trưng của hạt mắc ca Lâm Đồng phục vụ xây dựng nhãn hiệu cộng đồng

Cây mắc ca (tên khoa học là Macadamia) là cây lâm nghiệp đa tác dụng, thường xanh, có nguồn gốc từ châu Úc, được trồng nhiều ở các nước Nam Mỹ, Nam Phi và Đông Á. Hạt mắc ca giàu dinh dưỡng được xếp nhóm hạt ngon nhất thế giới.

Cây mắc ca bắt đầu được trồng ở Lâm Đồng vào năm 2006, đến nay, diện tích trồng mắc ca toàn tỉnh lên khoảng 5.200 ha, chủ yếu tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đam Rông...; trong đó, hơn 2000 ha đã cho thu hoạch. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhiều cây đạt năng suất 30 kg hạt/cây/năm. Sản lượng quả khô trong năm 2021 đạt gần 2.400 tấn. Lâm Đồng hiện đang đứng đầu khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước về diện tích trồng và sản lượng sản xuất sản phẩm mắc ca.

Toàn tỉnh hiện có 32 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến mắc ca. Thành phẩm chế biến chủ yếu là mắc ca sấy nứt và nhân hạt đạt khoảng gần 900 tấn đang được tiêu thụ rộng rãi ở các hệ thống siêu thị, sân bay, cửa hàng tiện lợi trong nước và xuất khẩu. Các cơ sở đang từng bước đi vào chế biến sâu; bên cạnh quả khô sấy nứt, nhân hạt sấy khô, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm như bột mắc ca, mỹ phẩm từ tinh dầu mắc ca… để nâng cao giá trị hạt mắc ca.

Có thể thấy, sau gần 20 năm bén rễ và phát triển trên đất Lâm Đồng, cây mắc ca đang từng bước khẳng định tiềm năng, thế mạnh, trở thành nông sản đặc trưng của địa phương, đồng thời góp phần tăng độ che phủ đất, bảo vệ môi trường. Cây mắc ca ngày càng phát triển theo chiều sâu, hướng tới 15.000 ha mắc ca vào năm 2045 với 62 cơ sở, doanh nghiệp chế biến; công suất tiêu thụ nguyên liệu ước khoảng 4.538 tấn quả/năm; khối lượng sản phẩm chế biến là 1.566 tấn,... theo kế hoạch của tỉnh.

Tuy nhiên, việc sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ mắc ca trên địa bàn tỉnh hiện nay đều gắn với thương hiệu của các công ty, cơ sở, hợp tác xã chế biến mắc ca nhỏ lẻ như: Hạt mắc ca Tây Nguyên, Mắc ca Lâm Hà, Mắc ca Di Linh, Hạt mắc ca Việt,... mà chưa có một nhãn hiệu chung nào cho sản phẩm mắc ca Lâm Đồng.

Cùng với sự phát triển, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” cho sản phẩm hạt mắc ca của tỉnh sẽ là nền móng vững chắc để giúp nông dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất; giúp cơ sở kinh doanh thương mại và tiêu thụ sản phẩm tự tin quảng bá, giới thiệu, đầu tư xây dựng và mở rộng thị trường. Nhãn hiệu “Mắc ca Lâm Đồng” sẽ như một cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm cũng như một cam kết về việc phát triển nông - lâm nghiệp bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Với yêu cầu thực tiễn đặt ra, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã triển khai nhiệm vụ “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” cho sản phẩm mắc ca của tỉnh Lâm Đồng”. Đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” nhằm xây dựng một thương hiệu mạnh cho sản phẩm mắc ca, quản lý tốt hơn về chất lượng của sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho các tổ chức, cá nhân trồng, chế biến, kinh doanh mắc ca, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong ngành Nông nghiệp và khai thác các thế mạnh của địa phương.

Theo đó, trong 2 năm (8/2023 - 8/2025), Sở phối hợp cùng Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP sẽ tiến hành thực hiện nghiên cứu điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh; đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”; xây dựng mô hình quản lý và hệ thống các công cụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”; xây dựng hệ thống các công cụ quảng bá, phát triển thương hiệu cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”; áp dụng triển khai thí điểm 3 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” theo chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc.

Việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu cộng đồng “Mắc ca Lâm Đồng” cho sản phẩm mắc ca sẽ là nền móng vững chắc để giúp nông dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất, giúp cơ sở kinh doanh thương mại và tiêu thụ sản phẩm tự tin quảng bá, giới thiệu, đầu tư xây dựng và mở rộng thị trường. Nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” sẽ như một cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm cũng như một cam kết về việc phát triển nông - lâm nghiệp bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, góp phần xây dựng thêm cho tỉnh Lâm Đồng một thương hiệu mạnh trên thị trường, tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa “Mắc ca Lâm Đồng” vươn xa ra thế giới.

QUỲNH UYỂN