Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025”, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của các dự án khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ các dự án ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng.
Dự án khởi nghiệp “Trồng và chế biến các sản phẩm từ giống ớt cay nhất thế giới theo hướng hữu cơ” của anh Lê Tiến Dũng (Tổ dân phố 4D, thị trấn Đạ Tẻh) đã tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường |
Trong số 20 dự án khởi nghiệp được khảo sát ngẫu nhiên, có 12 dự án đã thành lập doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh có tăng trưởng, mở rộng quy mô; 8 ý tưởng, dự án tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, chuẩn bị các yếu tố cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường. Quy mô các dự án đều thuộc loại siêu nhỏ với nguồn vốn từ 0,1 - 4,2 tỷ đồng; có 3 - 12 lao động; doanh thu từ 0,08 - 3 tỷ đồng.
Một số dự án sau khi được UBND tỉnh công nhận đã chủ động đầu tư mở rộng nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc, đa dạng hóa các sản phẩm, tạo ra các sản phẩm khác biệt, tìm kiếm mở rộng thị trường, bước đầu xác lập vị thế, xây dựng thương hiệu, có nguồn thu, bước vào giai đoạn tăng trưởng. Điển hình có thể kể các dự án: Trồng và chế biến các sản phẩm từ giống ớt cay nhất thế giới theo hướng hữu cơ; Tự động hóa sản xuất túi quang tự dưỡng trong nuôi cấy mô tế bào thực vật; Làm Socola, bánh quy từ bột vỏ và thịt quả cà phê hữu cơ; Nước giải khát lên men từ vỏ cà phê chín mọng; Chế biến thành phẩm Sachi....
Tuy nhiên, đa số các dự án khởi nghiệp đều gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực. Bước đầu lập thân lập nghiệp nên các chủ dự án khởi nghiệp thường có vốn nhỏ, chủ yếu là vốn tự có hoặc vay mượn bạn bè, người thân. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng để đầu tư trang thiết bị và mở rộng sản xuất, kinh doanh do thiếu tài sản thế chấp. Thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hạn chế, thiếu đồng bộ, nhà xưởng chưa đáp ứng điều kiện áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật. Nhân sự vận hành dự án thiếu các kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký xác lập và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thuế, marketing, thương mại hóa sản phẩm; nguồn lao động chủ yếu là từ lao động địa phương, chưa được qua đào tạo.
Trước thực trạng đó, các dự án khởi nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ các quỹ, các nhà đầu tư; rất cần sự hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi theo hình thức cho vay dựa trên cơ sở thẩm định giá trị dự án và tiềm năng phát triển, thay vì phải thế chấp trong hoàn cảnh doanh nghiệp không có tài sản; rất cần hỗ trợ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, thiết kế nhận diện thương hiệu, đào tạo, kết nối giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm trưng bày, bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử. Cần sự hỗ trợ kết nối với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức nghiên cứu để cùng đồng hành với doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới.
Cụ thể, 8 doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong và ngoài nước; hỗ trợ thường xuyên và liên tục về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo. 6 doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu vay vốn, hỗ trợ lãi suất; tổng số tiền 6,8 tỷ đồng. 2 dự án có nhu cầu tư vấn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Từ những mong muốn đặt ra của các dự án khởi nghiệp, bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Sở sẽ xem xét, có kế hoạch hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp theo đúng các quy định của tỉnh, của Chính phủ nằm trong Chương trình Quốc gia khởi nghiệp. Lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình khởi nghiệp sáng tạo đổi mới sáng tạo của Trung ương và địa phương; hỗ trợ, hướng dẫn các dự án khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn theo nhu cầu đào tạo của dự án; Hỗ trợ, hướng dẫn các dự án khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi từ các quỹ, ngân hàng, chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; Gửi danh sách nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp đến các quỹ và ngân hàng; hỗ trợ từ nguồn kinh phí thực hiện “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025” theo quyết định của UBND tỉnh. Từ đó tiếp sức cho các dự án khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm có ích đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.