Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

KỶ NIỆM 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BẢO LỘC (11/7/1994 - 2024): Khát vọng về một thành phố phát triển bền vững (kỳ 1)

  • 01/07/2024
  • s 09:44

(LĐ online) - Ngày 11/7/2024, Bảo Lộc kỷ niệm tròn 30 năm xây dựng và phát triển đô thị kể từ khi thị xã Bảo Lộc được thành lập theo Nghị định 65 của Chính phủ. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử hơn 130 năm hình thành và phát triển Bảo Lộc, là dịp để nhìn lại chặng đường phát triển đô thị, rút ra những bài học, tạo động lực vượt qua những thách thức, hướng tới mục tiêu xây dựng Bảo Lộc thành đô thị đáng sống, giàu bản sắc, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế; xứng đáng là đô thị hạt nhân, trung tâm kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia.

Kỳ 1: Tự hào miền đất B’Lao xưa - Bảo Lộc ngày nay

Lịch sử hình thành vùng đất B’Lao xưa - Bảo Lộc ngày nay gắn với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa quan trọng. Trong đó, Nghị định 65 của Chính phủ ngày 11/7/1994 chia huyện Bảo Lộc thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm là mốc son đánh dấu khởi đầu quá trình phát triển đô thị cả về chất và lượng của miền đất cao nguyên giàu tiềm năng này.

• TÊN GỌI B’LAO - DI SẢN MANG GIÁ TRỊ TINH THẦN

Bác sỹ Alexandre Yersin (1863 - 1943) phát hiện ra xứ BLao trong chuyến thám hiểm lần thứ ba năm 1893. Ảnh sưu tầm

Bác sỹ Alexandre Yersin (1863 - 1943) phát hiện ra xứ B'Lao trong chuyến thám hiểm lần thứ ba năm 1893. Ảnh sưu tầm

Vào cuối thế kỷ XIX, bác sỹ Alexandre Yersin (1863 - 1943), một người Pháp gốc Thuỵ Sĩ, sau khi nhận văn bằng Tiến sĩ Y khoa, ông quyết định rời nước Pháp để đến Đông Dương vào năm 1890 (lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp), sống và làm việc tại Nha Trang.

Với khát vọng được đi và khám phá, sau 2 lần thám hiểm xuyên Trường Sơn, giữa năm 1893, bác sỹ A.Yersin tổ chức đoàn thám hiểm lần thứ ba theo đường bộ từ Biên Hòa qua Đồng Nai, lên cao nguyên Djiring, cuối cùng khám phá cao nguyên Lang Biang.

Trong chuyến đi này, sau khi vượt qua vùng rừng núi và hai ngọn đèo cao hiểm trở (sau này có tên là đèo Chuối và đèo Bảo Lộc), đoàn thám hiểm của ông dừng chân nghỉ ngơi, ngạc nhiên trước không gian bao la, không khí mát rượi của vùng bình nguyên dưới chân núi Spung, những ngọn đồi bát úp thoai thoải, nhấp nhô giữa những làn mây trắng trắng bồng bềnh, bảng lảng sương giăng như chốn thần tiên.

Nơi đây chính là B’Lao xưa - khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai. Cư dân lúc bấy giờ chỉ có người dân tộc Mạ và K’Ho, sống du canh, du cư. 

Lộ trình ông A.Yersin và đoàn thám hiểm lần thứ ba năm 1893, phát hiện ra xứ BLao. Theo hoiaimoyersinkhanhhoa.vn

Lộ trình bác sỹ A.Yersin và đoàn thám hiểm lần thứ ba năm 1893, phát hiện ra xứ B'Lao. Ảnh: hoiaimoyersinkhanhhoa.vn

Theo các già làng người Mạ, thì B’Lao có nghĩa khoảng rừng trống, là đám mây bay thấp, cũng có người nói là cái bàu nước, đầm nước. Còn với già làng người K'Ho, thì B’Lao mang ý nghĩa về nơi hội tụ của mọi sự tốt đẹp. Địa danh B’Lao được gọi tên và ghi trên bản đồ hành chính từ đó. Xứ B’Lao - một miền đất mới được phát hiện, khai phá. 

Những thập niên sau đó, người Pháp mở đường giao thông, ngoài mục đích khai thác kinh tế thuộc địa, còn để đáp ứng yêu cầu cơ động của quân đội nhằm đối phó với các cuộc nổi dậy của người dân. Năm 1920, tuyến Quốc lộ 20 nối từ Quốc lộ 1 (bấy giờ gọi là đường Cái quan) tại Đồng Nai qua B’Lao lên Đà Lạt dài hơn 265 km được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 1933.

Cũng từ đó, các doanh nhân người Pháp đến khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng, lập những đồn điền nông nghiệp ở B’Lao trồng chuyên canh cây trà, cà phê, như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierre…, xây dựng sân bay và một số nhà máy công nghiệp chế biến nông sản.

Sau này, các hộ gia đình và doanh nhân người Việt từ các địa phương khác cũng đến đây lập nghiệp ngày càng nhiều với nghề trồng và chế biến trà. Thương hiệu trà B’Lao nổi tiếng ra đời.

Quy hoạch thiết kế khu dân cư Tân Hà (nay là phường Lộc Tiến) từ năm 1954 là niềm tự hào về cảnh quan, kiến trúc của Bảo Lộc- Ảnh ST

Quy hoạch thiết kế khu dân cư Tân Hà (nay là phường Lộc Tiến) từ năm 1954 là niềm tự hào về cảnh quan, kiến trúc của Bảo Lộc. Ảnh sưu tầm

Trở lại với miền B’Lao xưa, theo sử liệu và các cứ liệu thu thập được, ngày 19/5/1958, chính quyền Sài Gòn ban hành Nghị định 170 đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, gồm 2 quận là B’Lao và Djiring, tỉnh lỵ dời từ quận Djiring xuống quận B’Lao. Ngày 19/02/1959, B’Lao được đổi tên thành Bảo Lộc, Djiring đổi tên thành Di Linh.

Tháng 12/1959, Tòa thị chính tỉnh Lâm Đồng được xây dựng xong (vị trí hiện nay là trụ sở Thường trực HĐND và UBND thành phố Bảo Lộc). Trong thời gian này, kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc chủ trì lập Phương án thiết kế quy hoạch khu trung tâm Bảo Lộc (Phường 1, Phường 2, phường B’Lao hiện nay); riêng Phương án thiết kế quy hoạch khu dân cư Tân Hà và Tân Phát (phường Lộc Tiến và phường Lộc Phát hiện nay) do kiến trúc sư Nguyễn Văn Trọng lập từ sau Hiệp định Genève năm 1954, khi có đông dân sinh sống, lập nghiệp.

Đến năm 1962, Phương án thiết kế quy hoạch chung đô thị Bảo Lộc được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chỉnh sửa lần cuối, triển khai thực hiện trên thực địa, quan niệm Bảo Lộc là thị xã tỉnh lỵ Lâm Đồng từ đó.

Cho đến nay và trong tương lai, giá trị các bản thiết kế quy hoạch này trên thực địa vẫn được nhân dân và giới chuyên môn đánh giá cao, là niềm tự hào về cảnh quan, kiến trúc của Bảo Lộc. 

• CHUYỂN BIẾN TỪ CÁC CHÍNH SÁCH HỢP LÒNG DÂN

Đến năm 1962, Phương án thiết kế QH trung tâm Bảo Lộc đô được triển khai thực hiện trên thực địa -  Ảnh sưu tầm

Đến năm 1962, Phương án thiết kế Quy hoạch chung trung tâm đô thị Bảo Lộc được triển khai thực hiện trên thực địa. Ảnh sưu tầm

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra Nghị định hợp nhất tỉnh Lâm Đồng (cũ), tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng (mới) từ tháng 2/1976, thành phố Đà Lạt là tỉnh lỵ; Bảo Lộc trở thành một huyện thuộc tỉnh, thị trấn B’Lao là huyện lỵ.

Một thời gian sau đó, Chính phủ quyết định chia huyện Bảo Lộc thành 4 huyện mới là: Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

Sau những thăng trầm của lịch sử, cùng với sự phát triển đô thị, ngày 11/7/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành Nghị định 65 chia huyện Bảo Lộc thành thị xã Bảo Lộc (nay là thành phố) và huyện Bảo Lâm.

Mặc dù địa danh Bảo Lộc chính thức hình thành trong hơn 6 thập kỷ qua, nhưng tên gọi B’Lao được coi là di sản địa danh, vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức người dân nơi đây.

Theo ý nguyện của Nhân dân, khi thiết lập lại địa giới hành chính cấp phường, xã mới, chính quyền địa phương đã lấy tên B’Lao đặt cho một phường trung tâm đô thị Bảo Lộc, như một hành động bảo tồn di sản mang giá trị tinh thần và là niềm tự hào của miền đất này.

Không gian bao la, mát rượi vùng bình nguyên BLao xưa bảng lảng sương giăng dưới chân núi Spung xưa nay là đô thị Bảo Lộc. Ảnh Đình Quýt

Không gian bao la, mát rượi, bảng lảng sương giăng dưới chân núi Spung của vùng bình nguyên B'Lao xưa, nay là đô thị Bảo Lộc. Ảnh: Võ Đình Quýt

Nhìn lại những năm đầu thập niên trước thời kỳ đổi mới 1986 trở về trước, kinh tế Bảo Lộc có tỉ trọng nông, lâm nghiệp chiếm hơn 60% trong tổng sản phẩm địa phương. Nông - lâm nghiệp trồng cây công nghiệp lâu năm trà, cà phê, sản phẩm gỗ, mây, tre là thế mạnh tiềm năng của địa phương nhưng chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sơ chế thô.

Công nghiệp chế biến trà, cà phê phần lớn thủ công, công nghệ lạc hậu có từ những năm thập kỷ 30, 40. Kết cấu hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp. 

Cánh đồng Trà Olong tại xã DamBri, TP Bảo Lộc. Ảnh Vân Hậu

Cánh đồng trà Olong tại xã Đam B'ri, thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Vân Hậu

Sau thời kỳ đổi mới đến những năm đầu thập niên 90, kinh tế địa phương có những chuyển biến và tăng trưởng mạnh. Các chủ trương, chính sách hợp xu thế phát triển được Đảng và Nhà nước ban hành đúng lúc, kịp thời đã khơi dậy các tiềm năng sẵn có, thu hút và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Nhờ đó, tổng sản phẩm trên địa bàn Bảo Lộc tăng cao, nhất là năm 1993 tăng 17,8%; chuyển dịch cơ cấu kinh kế có chiều hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, năm 1993, tỷ trọng các ngành nông - công nghiệp - dịch vụ lần lượt là 41% - 33% - 26%.

Bảo Lộc bắt đầu thể hiện là trung tâm công nghiệp, trung tâm kinh tế, xã hội khu vực phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Ngành trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tuy mới được xây dựng nhưng nhờ đầu tư mạnh của Chính phủ nên có sự trỗi dậy nhanh chóng với quyết tâm biến Bảo Lộc thành “thủ đô” của ngành dâu tằm, tơ, lụa Việt Nam.

Giá trị, sản lượng sản phẩm trà, cà phê, tơ, lụa không ngừng gia tăng, góp phần tích cực thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của quốc gia về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Thu hút, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động tại chỗ và các tỉnh phía Bắc đến vùng kinh tế mới.

Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng thăm nhà máy ươm tơ tự động tại Bảo Lộc năm 1992. Ảnh tư liệu

Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng thăm nhà máy ươm tơ tự động tại Bảo Lộc năm 1992. Ảnh tư liệu

Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm nhà máy ươm tơ tự động tại Bảo Lộc. Ảnh: Quang Tú

Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm nhà máy ươm tơ tự động tại Bảo Lộc. Ảnh: Quang Tú

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm tỉnh Lâm Đồng, huyện Bảo Lộc và Liên hiệp các Xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam tại Bảo Lộc. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm tỉnh Lâm Đồng, huyện Bảo Lộc và Liên hiệp các Xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam tại Bảo Lộc. Ảnh tư liệu

Thời gian này, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch nước Võ Chí Công, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh... và nhiều cán bộ cấp cao, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thăm, làm việc, đầu tư, ký kết hợp tác với tỉnh Lâm Đồng và Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam tại Bảo Lộc. 

Đó vừa là nguồn động viên to lớn, vừa mở ra cơ hội để B’Lao - Bảo Lộc tranh thủ nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển vươn lên và tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo, đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo và của Nhân dân địa phương. 

ThS. NGUYỄN VÂN HẬU