(LĐ online) - Hội nghị thường niên lần thứ XVI của UNESCO về mạng lưới thành phố sáng tạo diễn ra 5 ngày (từ ngày 1 - 5/7/2024) tại thành phố Braga của Bồ Đào Nha có sự tham dự của đại diện UBND TP Đà Lạt.
Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (thứ 4 từ trái sang), chụp hình lưu niệm cùng Thị trưởng các thành phố trong mạng lưới thành phố sáng tạo |
Theo thông tin từ UBND TP Đà Lạt, hội nghị có sự tham dự của các thị trưởng, cơ quan đầu mối và các đại diện cấp cao của 130 thành phố sáng tạo tại hơn 100 quốc gia tham dự.
Với chủ đề “Đưa thanh niên đến bàn đàm phán trong thập kỷ tới”, hội nghị lần này bàn thảo cách nắm bắt cơ hội và giải quyết các thách thức toàn cầu trong thời hiện tại và tương lai bằng cách thúc đẩy và tận dụng sự hòa nhập, tham gia của thanh niên vào quá trình ra quyết định và quản lý tại địa phương. Đồng thời cải thiện, hỗ trợ để tuổi trẻ giải phóng khả năng sáng tạo trong các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Hội nghị sẽ có các phiên họp dành riêng cho các thành phố sáng tạo được chỉ định vào năm 2023 và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về các chính sách, sáng kiến đổi mới, định hướng văn hóa…
Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (thứ 4 từ trái sang), chụp hình lưu niệm cùng Thị trưởng các thành phố trong mạng lưới thành phố sáng tạo |
Theo ban tổ chức hội nghị, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập mạng lưới. Do đó hội nghị thường niên lần này sẽ mang đến cơ hội suy ngẫm về những thành tựu trong 2 thập kỷ qua bằng cách khai thác sức mạnh biến đổi của sự sáng tạo và văn hóa để xây dựng các thành phố kiên cường, bền vững trên toàn thế giới. Sự kiện này cũng sẽ định hình tương lai của mạng lưới nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của văn hóa và sự sáng tạo đối với sự phát triển đô thị bền vững.
Năm 2023, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), nằm trong danh sách 55 thành phố tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO. Đà Lạt là thành viên mới của Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Các thành phố mới gia nhập trong năm 2023 có cơ hội hợp tác với các thành viên của Mạng lưới để tăng cường khả năng phục hồi trước những mối nguy về biến đổi khí hậu, đô thị hoá và bất bình đẳng ngày càng lớn với tỷ lệ khoảng 68% dân số thế giới sẽ sống ở khu vực thành thị vào năm 2050.