Lấy địa danh Finom của quê hương Lâm Đồng để đặt tên cho công ty, và tâm huyết chọn slogan “Phụng sự nhà nông Việt”, chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Thiên Phi Long (sinh năm 1992, TP Đà Lạt) đang từng ngày thực hiện ước mơ và khát vọng của mình.
Nguyễn Đăng Thiên Phi Long (áo cam) khởi nghiệp với khát vọng tìm kiếm những giải pháp phụng sự nhà nông Việt.
• MỐI DUYÊN VỚI NÔNG NGHIỆP
Nguyễn Đăng Thiên Phi Long nói rằng anh có duyên với nông nghiệp, không chỉ vì sinh ra và lớn lên bên những vườn rau, củ ở thành phố sương mù, mà còn vì ngay khi tốt nghiệp Đại học, anh đã có cơ hội làm việc trong công ty liên quan đến xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp, nông sản. Tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng, nhưng Long luôn nhận thấy mình thích hợp làm việc với con người hơn là những con số khô khan. Đặc thù công việc giúp Long có nhiều cơ hội tham gia các hội chợ nông nghiệp ở nước ngoài để tìm hiểu những giải pháp, thị trường. Năm 2017, từ một hội chợ ở Băng Cốc, Long có cơ hội sang Malaysia tham quan khu nông nghiệp công nghệ cao được tự động hóa. Là con nhà nông, Long hiểu được nỗi vất vả khi mọi thứ được làm bằng thủ công, điều này luôn khiến anh đau đáu và muốn có những giải pháp. Thế nên, Long rất muốn mang những giải pháp đó về Việt Nam. Đó là lý do mà năm 2018, Long rời vị trí quản lý bán hàng của công ty để mở ra Công ty TNHH Finom, với định hướng cung cấp các giải pháp về nông nghiệp công nghệ cao cho các nhà sản xuất, và các giải pháp liên quan tới bảo quản, phân loại nông sản.
Từ năm 2018 đến 2020, Long mở văn phòng công ty ở TP Hồ Chí Minh, còn ở Đà Lạt chỉ mở một chi nhánh nhỏ. Để rồi sau 3 năm, anh quyết định trở về quê hương để phát triển. Anh chia sẻ: “Sau khi đi nhiều vùng để khảo sát và tìm hiểu thị trường, tôi nhận ra Lâm Đồng lại là nơi có nhiều cơ hội nhất cho bản thân mình và công ty. Bởi thứ nhất, tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên phần nào am hiểu về địa lý, khí hậu và con người. Thứ hai, mật độ sản xuất ở Lâm Đồng tương đối dày đặc. Thứ ba, đối tượng cây trồng ở Đà Lạt nói riêng phần lớn là những loại có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, và người dân cũng rất cởi mở trong việc tiếp nhận các giải pháp, sản phẩm và công nghệ mới”. Bên cạnh đó, lâu dài hơn, Long nghĩ đến việc tạo điều kiện để các bạn trẻ có môi trường phát triển ngay tại chính quê hương của mình.
Thời điểm đầu, xuất phát từ con số 0, Long gần như vừa làm, vừa học và rút kinh nghiệm. Năm 2018, khi mới mở công ty, Long làm việc với các công ty của Thái Lan và Malaysia để mở một farm thử nghiệm ở Đà Lạt, nhờ các đối tác, cũng như đưa kỹ sư của mình sang nước ngoài học hỏi rồi thử nghiệm các giải pháp vào farm của mình để xem thử công nghệ nào phù hợp áp dụng ở Việt Nam, cái nào mang lại hiệu quả. Từ đó, anh đúc kết được những kinh nghiệm từ thực tế, đưa thành giải pháp để cung cấp cho thị trường, nhằm cố gắng cải thiện năng suất cũng như giảm thiểu chi phí đầu tư cho bà con nông dân.
• BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI
Hiện, thị trường của Finom gồm TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông và cả các tỉnh miền Bắc. Riêng Lâm Đồng chiếm 50% thị trường chính của Finom. Thời gian đầu, Finom chỉ tập trung vào hạ tầng, tức đi lắp đặt, thi công hệ thống tưới, nhà lưới, nhà kính, các giải pháp tự động. Bắt đầu từ năm 2020, khi nhận thấy bà con nông dân thường mua xơ dừa thô để phục vụ trồng trọt, trong khi không phải ai cũng có kỹ thuật xử lý, Long nghĩ ra việc nghiên cứu, cung cấp xơ dừa chuẩn đã qua xử lý, đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho bà con nông dân. Liên kết với một nhà sản xuất ở Bến Tre để tìm kiếm nguyên liệu, Long mất một thời gian đầu để tạo lòng tin cho nông dân. Đến nay, với chất lượng được khẳng định, xơ dừa đã trở thành sản phẩm chủ lực của Finom.
Hai năm qua, đối mặt với dịch bệnh COVID-19, công ty của Long cũng gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng. Thế nhưng với Long, dịch bệnh là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội. Bởi trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài, Long nhận ra rất nhiều người có nhu cầu trồng cây, trồng rau ở nhà. Từ đó, Long và các kỹ sư của mình cho ra đời thương hiệu Ficoco, chuyên cung cấp giá thể chất lượng, tiện lợi từ xơ dừa cho khách hàng ở thành phố có thể trồng nhiều loại cây khác nhau. Nhờ đó, Long cùng Finom trở mình “vượt” bão, sản phẩm giá thể xơ dừa không những cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu, mang lại doanh số tăng trưởng ổn định cho công ty.
Các mối quan hệ, kiến thức và kinh nghiệm đã có từ khi làm ở công ty cũ là nền tảng cơ bản để Long bắt đầu thực hiện tiếp những công việc của mình ở thời điểm hiện tại. Với khát vọng vươn tầm thế giới, không chỉ phục vụ nông dân Việt, Long còn muốn sản phẩm phục vụ tất cả những người làm nông nghiệp và yêu công việc trồng trọt ở khắp mọi nơi. Với vốn tiếng Anh khá tốt của mình, anh tham gia nhiều hội chợ ở nước ngoài để tìm kiếm cơ hội và giải pháp.
Bước vào năm thứ 5 khởi nghiệp với lĩnh vực cung cấp giải pháp nông nghiệp, doanh số trung bình mỗi tháng của công ty hiện tại đạt 2,5 tỷ đồng và có một xưởng sản xuất xơ dừa nhỏ đặt tại Đức Trọng. Các sản phẩm của Long đã phục vụ hơn 1.200 nhà sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp trên 40 tỉnh, thành.
Long chia sẻ, những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình khởi nghiệp là phải đủ đam mê để dấn thân, có ý chí để vượt qua muôn vàn khó khăn, và sáng tạo để có sự đột phá, khẳng định mình, tạo dấu ấn, hiệu quả riêng. Bước tiếp theo mà Long cùng công ty hướng đến ngoài việc cung cấp giải pháp phục vụ hoạt động canh tác cho nhà sản xuất, là đi sâu hơn vào các giải pháp phục vụ nhà kinh doanh nông sản, từ bảo quản đến đóng gói, sơ chế sau thu hoạch… để hoàn thiện hệ sinh thái giải pháp khép kín cho lĩnh vực nông nghiệp.
http://baolamdong.vn/