Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Tăng cường giám sát vùng trồng nội địa và xuất khẩu

  • 26/08/2024
  • s 13:50

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tăng cường giám sát mã số vùng trồng xuất khẩu và nội địa, giúp người sản xuất nâng cao nhận thức và thực hành hiệu quả hơn nữa quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường.

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tổ chức giám sát định kỳ 1 - 2 lần/năm 
đối với 114 vùng trồng sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tổ chức giám sát định kỳ 1 - 2 lần/năm đối với 114 vùng trồng sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số

Với mục tiêu xây dựng, hình thành và nâng cao hiệu quả quản lý đối với các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, qua đó nâng cao vị thế của nông sản tỉnh Lâm Đồng, góp phần định hướng nông dân sản xuất chuyên nghiệp hơn theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng triển khai kế hoạch giám sát định kỳ mỗi năm một lần đối với 46 vùng trồng đã được cấp mã số nội địa, tổng diện tích 710.13 ha của 301 hộ sản xuất liên kết trên địa bàn. Cụ thể, tập trung giám sát trên các chủng loại cây trồng đã cấp mã số tiêu thụ nội địa hàng năm như: rau các loại, hồng ăn trái, cà phê, bơ, cây dược liệu atiso, mận, cam, thanh long, chè, mắc ca, chanh dây, lúa, chôm chôm, bưởi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu thực hiện theo yêu cầu kiểm dịch thực vật từ Việt Nam, đảm bảo vùng trồng luôn duy trì tuân thủ quy định của nước nhập khẩu Trung Quốc. Theo đó, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tổ chức giám sát định kỳ 1 - 2 lần/năm đối với 114 vùng trồng sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số trên tổng diện tích hơn 5.486 ha. Tổng số 2.417 hộ liên kết sản xuất sầu riêng xuất khẩu được cấp mã số từ năm 2022 đến quý I/2024, phân bổ trên địa bàn Lâm Đồng gồm: 64 vùng trồng (gần 3.282,2 ha/1.313 hộ) tại TP Bảo Lộc và các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; 49 vùng trồng (2.070 ha, 1.031 hộ) tại các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên được cấp mã số trong quý I/2024.

Bên cạnh đó nhằm hướng dẫn, khuyến cáo các vùng trồng tuân thủ đúng quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, đảm bảo vùng trồng chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng giám sát định kỳ 1 lần/năm đối với 47 vùng trồng sầu riêng có hồ sơ được Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng xem xét đủ điều kiện cấp mã số và gửi nước nhập khẩu phê duyệt với diện tích hơn 1.891 ha/868 hộ liên kết sản xuất tại địa bàn TP Bảo Lộc và các huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà. Ở giai đoạn thu hoạch sản phẩm sầu riêng xuất khẩu, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tổ chức lấy 114 mẫu sản phẩm tại 114 vùng trồng để phân tích định lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân tích chỉ tiêu kim loại nặng; lấy 151 mẫu sản phẩm tại các vùng trồng để giám định 6 loài vi sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc quy định tại Nghị định thư “Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc”. Thời gian giám định sinh vật gây hại sầu riêng hàng năm tập trung tháng 6 đến tháng 7 đối với 77 vùng trồng tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; từ tháng 7 đến đầu tháng 11 trên 37 vùng trồng tại TP Bảo Lộc và các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2024, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng hoàn thành tổ chức 20 lớp tập huấn (1 ngày/lớp, 35 người/lớp) tại các địa bàn sản xuất sầu riêng tập trung như TP Bảo Lộc; các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Tham gia tập huấn gồm tổ chức, cá nhân trồng sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. Nội dung tập huấn về yêu cầu chung đối với vùng trồng xuất khẩu; quy trình thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; sử dụng phần mềm nhật ký đồng ruộng, phần mềm quản lý cơ sở đóng gói để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.

“Trong năm 2024, toàn tỉnh thiết lập hồ sơ đề nghị cấp 75 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô 3.000 ha cây ăn quả; 30 mã vùng trồng nội địa trên cây điều, lúa, cà phê, bơ, rau các loại. Lũy kế đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 142 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô 4.500 ha cây ăn quả; trên 60 mã vùng trồng nội địa; cấp, duy trì 12 mã số vùng trồng hạt giống cho 4 công ty với diện tích 19 ha, sản lượng 7.100 tấn hạt giống; 10 mã vùng trồng sản lượng 3,5 triệu ngọn giống, cây giống…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm.    

VĂN VIỆT