Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng đến công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong các khâu đột phá; chỉ đạo triển khai Đề án “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa, tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện; rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách; tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, internet và không gian mạng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh.
Nhiều văn bản quy định chỉ tiêu đánh giá về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được ban hành và triển khai thực hiện đạt hiệu quả, như: Quy định đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tại tỉnh; phê duyệt Đề án xác định chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố giai đoạn 2022 - 2025; ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh... Thông qua Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sở, ngành, địa phương đã không ngừng đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành góp phần nâng cao thứ hạng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền về vị trí, vai trò của CNTT, chuyển đổi số; đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh về vai trò quan trọng của CNTT, chuyển đổi số trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng đã xây dựng chuyên mục về chuyển đổi số tại địa chỉ: http://chuyendoiso.lamdong.gov.vn, OA Zalo Chuyển đổi số, “Cổng hành chính công tỉnh Lâm Đồng”; hệ thống thông tin cơ sở đã tích cực tuyên truyền về chuyển đổi số bám sát những nội dung nghị quyết; triển khai Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về cải cách hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số; giai đoạn năm 2014 - 2024, tỉnh đã bố trí kinh phí với tổng số tiền trên 900 tỷ đồng cho ứng dụng phát triển CNTT, chuyển đổi số. Qua đó, đã xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại, liên thông; kết nối băng rộng, chất lượng cao đến tất cả các xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục; kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động với 361 điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ 2,96 km; 100% xã trên địa bàn tỉnh có điểm bưu chính có người phục vụ. Hạ tầng bưu chính được quan tâm đầu tư phát triển nhanh chóng, đảm bảo thông tin liên lạc, vận chuyển thư, báo, công văn, tài liệu đến các xã trong ngày. Triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI)...
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Lâm Đồng được duy trì hoạt động ổn định phục vụ kết nối, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở khối chính quyền; có đầy đủ chức năng, tính năng kỹ thuật của Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh (Phiên bản 1.0); đã hoàn thành kết nối 17/17 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) phục vụ chỉ đạo điều hành tập trung trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh với 14 trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC4. Duy trì hoạt động có hiệu quả Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng tỉnh Lâm Đồng (SOC), kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng quốc gia mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động đảm bảo an toàn thông tin trong triển khai chính quyền điện tử. Duy trì, vận hành ổn định, kết nối 173 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ các cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến cơ sở.
100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, huyện có cổng/trang thông tin điện tử tuân thủ theo quy định; 100% trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành hoạt động trên nền tảng IPv6, chứng nhận tín nhiệm mạng do Cục An toàn thông tin cung cấp; hệ thống thư điện tử tỉnh hoạt động ổn định, đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh với 6.750 hộp thư điện tử đã được khai báo và đưa vào sử dụng; hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được xây dựng liên thông 4 cấp, hoàn thành kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức/Kho hồ sơ thủ tục hành chính, kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC)...
Việc triển khai và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước mang lại hiệu quả. Triển khai đường truyền Mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 175 cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh (9 đơn vị cấp tỉnh, 24 đơn vị cấp huyện và 142 đơn vị) cấp xã, đảm bảo kết nối hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến 4 cấp…
Đồng thời, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hợp tác với các quốc gia như Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, UAE, Singapore, India…, trong đó có rất nhiều lĩnh vực như: Khoa học công nghệ và giáo dục, chuyển đổi số, đô thị thông minh, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT...
Có thể nói, công tác ứng dụng và phát triển CNTT đã có bước chuyển biến mới cả về nhận thức và hành động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Các chương trình ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh đã có sự chỉ đạo thường xuyên, đồng bộ, có hệ thống từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hạ tầng thông tin truyền thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.