Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Đổi trắng thành xanh - hành trình bao lâu nữa? (Bài 1)

  • 06/09/2024
  • s 14:02

Sau gần ba thập niên lắp dựng nhà màng ni lông (còn gọi là nhà kính), giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng lên đến gấp năm, gấp mười lần. Tuy nhiên, mặt trái nhà kính đã góp phần tác động tiêu cực môi trường sinh thái và cảnh quan du lịch. Đã có nhiều giải pháp giảm dần và đi đến thay thế hoàn toàn màu trắng nhà kính để trả về màu xanh nguyên trạng của thị trấn, các huyện phụ cận và nội ô TP Đà Lạt - Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung từ năm 2025 đến năm 2030, nhưng đi vào thực tế cuộc sống vấp phải nhiều vướng mắc, khó khăn. Vậy hành trình đổi trắng thành xanh của nông nghiệp nội ô Đà Lạt và thị trấn, các huyện phụ cận đang cần thêm những giải pháp nào hiệu lực hơn và cần thêm bao lâu nữa mới đủ thời gian thực hiện???

Bài 1: Phủ trắng nhà kính - trách nhiệm chính về “sức khỏe” hệ sinh thái?

Đến nay đã gần 30 năm, kể từ khi Công ty TNHH Dalat Hasfarm đến từ Hà Lan dựng những căn nhà khung bằng gỗ có mái lợp bằng plastic (nhà kính) đầu tiên tại Đà Lạt, được coi là biểu tượng của nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, một hiện tượng đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội trong ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng và hiện chưa có giải pháp canh tác nào khác có thể thay thế được. Gần đây, không ít nhận định cho rằng việc canh tác nhà kính đã góp phần làm biến đổi khí hậu Đà Lạt, chịu trách nhiệm chính cho những trận ngập lụt, một hình thái thời tiết cực đoan cũng như đang ảnh hưởng cảnh quan mộng mơ và "sức khỏe" hệ sinh thái của Đà Lạt…

Sử dụng thiên địch thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học tại một trong những 
nông trại nhà kính của Dalat Hasfarm

Sử dụng thiên địch thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học tại một trong những nông trại nhà kính của Dalat Hasfarm

• CHỦ ĐỘNG ĐIỀU CHỈNH MÔI TRƯỜNG PHÙ HỢP NHIỀU LOẠI CÂY TRỒNG

Trang trại rau thủy canh Jolly nằm khuất lấp phía sau khu dân cư đường phố Trần Nhân Tông, Phường 8, TP Đà Lạt trong 8 tháng đầu năm 2024, mỗi ngày thu hoạch, sơ chế đóng gói cung ứng cho thị trường trong nước khoảng 150 kg rau thủy canh các loại, tương ứng với doanh thu bình quân 5 triệu đồng/1.200 m2 diện  tích nhà kính. Hạch toán mọi chi phí, kể cả chi phí khấu hao nhà kính, mỗi ngày trang trại thu lãi ròng hơn 3 triệu đồng/1.200 m2. Nhân lên sơ bộ thành lợi nhuận mỗi năm hơn 7,7 tỷ đồng/ha. Anh Phong Ngọc Dũng (41 tuổi) điều hành Trang trại  rau thủy canh Jolly cho biết, đây là năm thứ 8, Trang trại vận hành hệ thống thủy canh chăm sóc rau nhà kính trên cơ sở chuyển đổi từ diện tích cây hồng ăn trái, cây cà phê già cỗi trồng ngoài trời, thu nhập bấp bênh mỗi năm một, hai chục triệu đồng. Quy mô lập trang trại rau thủy canh đầu tiên năm 2017 này với diện tích 300 m2 nhà xưởng sơ chế, đóng gói sau thu hoạch, ươm cây giống, 1.500 m2 nhà kính bên trong lắp đặt khép kín dây chuyền thủy canh hồi lưu, tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Vạn sự khởi đầu nan trong 5 tháng cuối năm 2017, trang trại trồng 6 lứa rau xà lách thủy canh, tổng sản lượng 30 tấn. Giá thị trường thời điểm này khoảng 20.000 đồng/kg, tương ứng với tổng doanh thu 600 triệu đồng. Tỷ lệ trừ chi phí khấu hao nhà kính, chi phí đầu vào khoảng 30%, còn lại 70% thu nhập lãi ròng.   

Qua mỗi năm sản xuất, chăm sóc và thu hoạch, Trang trại rau thủy canh Jolly lần lượt tập hợp những kinh nghiệm để bổ sung những giải pháp mới canh tác rau thủy canh nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả kinh tế. Đó là thiết kế nâng chiều cao giàn thủy canh trong nhà kính cách ly mặt đất từ 1 tầng lên 2-3 tầng; cải tiến quy trình tự động cung cấp và hồi lưu dòng chảy kết hợp với bón phân và phòng trừ bệnh hại, giảm tối đa hao hụt khối lượng nước chảy ra ngoài; bổ sung đa dạng cây trồng thủy canh thu hoạch gối đầu mỗi ngày. Phóng viên vào trong Trang trại rau thủy canh Jolly một ngày cuối tháng 8/2024 ghi nhận bên cạnh các loại xà lách thủy canh còn có nhiều loại rau, quả đua nhau sinh trưởng tốt tươi, bội thu hàng ngày như xà lách xoong, cải thảo, cần tây, bắp sú, súp lơ, cà chua, dưa leo, các loại rau thơm… Trong đó, thành công bước đầu điều khiển mạng lưới thủy canh trồng cây cà chua 75 ngày, thu hái liên tục đến 150 ngày; trồng dưa leo 45 ngày, thu hoạch đến 60 ngày, năng suất không thấp hơn so với trồng trên chậu giá thể sắp đặt trong nhà kính. Anh Dũng cho hay: “Cùng trong môi trường nhà kính, so với trồng trực tiếp dưới đất hoặc trên giá thể tưới nhỏ giọt, cây dưa leo và cây cà chua thủy canh tiết kiệm 50 - 60% lượng phân bón. Còn nếu so với trồng ngoài trời thì các loại rau, củ, quả trồng thủy canh trong trang trại nhà kính tăng thêm 6 - 7 lứa mỗi năm. Đáng kể trong 6 tháng mùa mưa hàng năm, trang trại bố trí xây dựng hệ thống mương thoát nước nhanh, nên không góp phần gây ngập lụt cục bộ…”.

Từ sản xuất lợi nhuận cao của Trang trại rau thủy canh Jolly, Phường 8, TP Đà Lạt phù hợp với nhận định của Công ty TNHH Dalat Hasfarm: Cần phải xác định ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp không chỉ có giải pháp canh tác trong nhà kính đơn thuần, mà trong đó còn có rất nhiều giải pháp khác như nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn hay mới nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Canh tác trong nhà kính còn kéo theo hàng loạt các lợi ích khác như giảm lượng nước tưới, giảm bay hơi, thu gom, tái sử dụng nước tưới, giảm lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ cây trồng khỏi các hình thái cực đoan của thời tiết, phù hợp với việc canh tác áp dụng giải pháp phòng trừ bệnh hại bằng thiên địch và các loại nấm đối kháng có ích. “Giải pháp ứng dụng công nghệ nhà kính nông nghiệp đã được các nước trên thế giới ứng dụng hàng trăm năm. Còn Công ty TNHH Dalat Hasfarm lựa chọn giải pháp canh tác trong nhà kính trong suốt 30 năm qua, bởi đáp ứng mức đầu tư hợp lý để tạo ra môi trường nhân tạo phù hợp nhất với các đối tượng cây trồng. Nhà kính càng hiện đại thì càng có điều kiện để chủ động điều chỉnh môi trường phù hợp với nhiều loại cây trồng khó tính và nhập nội. Chỉ bằng cách thay đổi một vài trang thiết bị và các thông số kỹ thuật cần thiết, một nhà kính đã có thể phù hợp để canh tác một loại cây trồng hoàn toàn khác so với các loại cây trồng trước đó…”, Công ty TNHH Dalat Hasfarm chia sẻ.

• NHẬN DIỆN TÁC NHÂN TIÊU CỰC VỀ “SỨC KHỎE” HỆ SINH THÁI

Cũng theo Công ty TNHH Dalat Hasfarm hiện nay không chỉ ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng của Việt Nam nói riêng, mà ở nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Hà Lan, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Đài Loan…, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn lựa chọn giải pháp canh tác trong nhà kính. Và thực tế chưa có giải pháp canh tác nào được ứng dụng nhanh, hiệu quả, mang lại những kết quả kinh tế - xã hội đáng kể như giải pháp canh tác trong nhà kính, nhà lưới nói trên.

Theo số liệu thống kê năm 2017, trên thế giới có 3.462.170 ha nhà kính, trong đó Hà Lan là nước dẫn đầu với 120.000 ha/2 triệu ha đất nông nghiệp, chủ yếu tập trung tại vùng Westland (diện tích gần 90,6 km2). Đến tháng 11/2023, tại đây đang tiếp tục quy hoạch 3 khu vực nhà kính mới với quy mô mỗi khu vực khoảng 500 ha và sẽ áp dụng giải pháp năng lượng mới sử dụng “địa năng”. Kết quả trong năm 2017, Hà Lan xuất khẩu nông sản đạt hơn 100 tỷ USD, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ, quốc gia có diện tích gấp 270 lần so với Hà Lan. Kể từ năm 2000, nông dân Hà Lan đã giảm phụ thuộc tới 90% nguồn nước cho các loại cây trồng chính và gần như loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học trên cây trồng trong nhà kính.

Qua đây, Công ty TNHH Dalat Hasfarm cho rằng, các tác động tiêu cực về “sức khỏe” hệ sinh thái phần lớn thuộc vấn đề quy hoạch và cơ sở hạ tầng tại các khu vực có nhà kính tập trung. Hơn nữa đến nay, chưa thấy công trình nghiên cứu nào trên thế giới đặt vấn đề về việc nhà kính gây lũ lụt hay làm suy giảm nước ngầm. Tuy nhiên những khu vực phát triển “nóng” giải pháp canh tác trong nhà kính, nhà lưới thực tế mang lại những hệ lụy nhất định về cảnh quan du lịch, hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên. Bởi vậy, Công ty TNHH Dalat Hasfarm nhấn mạnh: “Để phát huy hiệu quả một cách tối đa, cần có sự kết hợp của nhiều giải pháp canh tác khác nhau, cũng như một quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng một cách phù hợp đối với từng sản phẩm. Và quan trọng nhất là vai trò các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch và định hướng phát triển nhà kính nông nghiệp…”.

(CÒN NỮA)

VĂN VIỆT