Trở lại huyện Bảo Lâm tuổi ba mươi thành lập và phát triển, tôi liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nữ nhà văn Nancy Cato “Tất các dòng sông đều chảy” (All The Rivers Run). Cuốn sách viết về vùng đất và con người miền Nam nước Úc bằng giọng văn êm ái và hạnh phúc dâng đầy...
Sương giăng. Ảnh: Nguyễn Văn Thương |
Bảo Lâm xưa thuộc cao nguyên Djing-B’Lao. Cuối thế kỷ XIX, khi còn là xứ Nam Kỳ, nơi này thuộc tỉnh Bình Thuận. Rồi đổi thay theo thời cuộc, khi là đơn vị hành chính thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng, khi thuộc tỉnh Lâm Đồng, cũng có thời điểm thuộc tỉnh Thuận Lâm. Theo đó, Bảo Lâm hoặc là một phần của quận B’Lao hay huyện Bảo Lộc, hoặc là gồm 3 đơn vị tương đương cấp huyện với mật danh K1, K2 và K5. Ngày 11 tháng 7 năm 1994, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng chính thức thành lập, tách từ huyện Bảo Lộc. Ba mươi năm, Bảo Lâm chuyển mình bằng bề dày truyền thống và sức vươn lên không ngừng nghỉ cùng đất nước...
Thuở vừa “ra riêng”, Bảo Lâm chông chênh, thiếu trước hụt sau. Huyện có diện tích lớn, trên 146 ngàn ha. Đất tự nhiên không sinh sôi nhưng con người tăng theo quy luật, từ trên 89 ngàn người lúc thành lập, giờ tròn tuổi ba mươi đã gần 211 ngàn người. Âu là duyên lành của một vùng đất. Nơi đang quần cư của 21 dân tộc anh em trên đất nước, trong đó trên 33,8 ngàn người là đồng bào các dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% dân số toàn huyện. Ba mươi phần trăm ấy chủ yếu là bà con người Mạ và K’Ho, hai sắc dân bản xứ Nam Tây Nguyên.
Đã bao lần tôi rong ruổi trên dải đất Bảo Lâm, đằm mình những mùa mưa nắng. Từ mạn Đông giáp huyện Di Linh đến mạn Tây giáp huyện Đạ Huoai, từ mạn Bắc giáp tỉnh Đắk Nông đến mạn Nam giáp tỉnh Bình Thuận. Một huyện có Quốc lộ 20 chia thành hai nửa Bắc/Nam. Lại cuối dãy Trường Sơn, độ cao trên 800 m so với mực nước biển, Bảo Lâm không những rộng dài mà chập chùng đồi núi, chia cắt bởi suối, bởi sông. Mỗi nơi gắn với mỗi danh xưng thân thiết và yêu thương, chất chứa nội sinh, hun kết bằng nhân văn và chở che của đại ngàn. Núi thì có Đăng PòtCàl, Đăng Trinh ở Lộc Bắc, Lộc Bảo; Kòn K’Làng, Đăng KơrKao ở Lộc Lâm, Lộc Phú; Sà Lùng ở Lộc An; B’Kẻ ở Lộc Đức, Lộc Ngãi; rồi những Sa Pung, Nang TaHo, Đăng Tur, Tô ĐạTrao ở Lộc Thành, Lộc Nam... Sông lớn có Đạ Đờng, sông, suối vừa về thủy lưu có Đạ Nga, Đạ Riam, Đạ Tẻh, Đạ M’Biêng... Nào hồ, gắn với huyền tích linh địa như Đắk Long Thượng, Tân Rai, Krềnh, Đắk Lé, Tà Đùng; gắn với đơn vị hành chính như Thôn 6, Lộc An, Thôn 2, Lộc Bảo... Lại có hồ gắn với công trình thủy điện, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, tổng công suất 670 MWp. Tiềm năng thủy điện còn sản sinh từ hồ thủy lợi như Cai Bang công suất lắp máy 4000 KW, Đắk Long Thượng 550 KW... Hệ thống sông, suối và hồ của Bảo Lâm góp phần giữ an ninh năng lượng quốc gia. Và cùng khí hậu, thổ nhưỡng phục vụ đắc lực ngành Nông nghiệp, gắn với những nếp dân sinh truyền thống và giao hòa, tạo hệ sinh thái trường tồn, lưu vực văn hóa tiềm tàng, quần thể lâm sinh phong phú và du lịch hấp dẫn.
Trên vùng đất bazan màu mỡ, Bảo Lâm là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của tỉnh. Chè, cà phê, sầu riêng, bơ, dâu tằm và một số loại cây trái khác. Hơn 35 ngàn ha, năng suất cà phê của Bảo Lâm đứng đầu tỉnh, bình quân mỗi ha đạt 35 tạ nhân. Hơn 6,3 ngàn ha chè, năng suất bình quân 150 tạ chè búp tươi/ha/năm; hơn 3 ngàn ha sầu riêng, mỗi năm đạt trên 23,3 ngàn tấn và gần 2,4 ngàn ha bơ với sản lượng 16,7 ngàn tấn... Bảo Lâm cũng đang vận hành nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp chất lượng cao. Toàn huyện có 783 ha sầu riêng đã cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; 18 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; 30 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Sản phẩm cà phê GOT đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2023”, có mặt tại hội chợ các nước Âu, Mỹ...; sản phẩm hoa lan cắt cành của 20 ha đã cập bờ thị trường Nhật Bản...
Mười năm trước, khó ai nghĩ đất Bảo Lâm lại là điểm sáng của nước Việt về công nghiệp khai khoáng. Ở đây, Dự án Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng công suất từ 650 ngàn tấn alumin/năm ban đầu, nay đã đạt 750 ngàn tấn; tổng mức đầu tư 15.414 tỷ đồng. Từ ngày 1 tháng 10 năm 2013, Dự án vận hành thương mại, sản phẩm xuất khẩu đến Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Chứng kiến những khu vực sản xuất, máy móc, băng chuyền,... cảm xúc trong tôi thêm một lần khoáng hoạt trước nền công nghiệp hiện đại. Lãnh đạo tập đoàn cho biết, lũy kế đến cuối tháng 10 năm 2024, Dự án sản xuất 596.900 tấn alumin quy đổi, đạt 91,8% kế hoạch năm, tạo việc làm trên 1.300 lao động với thu nhập hơn 16 triệu đồng/người/tháng. Dự án đã được Chính phủ chỉ đạo xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều nấc thang cao mới...
***
Nếu như công nghiệp là điểm sáng thì văn hóa truyến thống ở Bảo Lâm là kho tàng đồ sộ và đa sắc thái. Hơn hết, đó là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Anh Phan Duy Tâm - Chánh Văn phòng Huyện ủy, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lâm cho tôi hay, huyện có 7 đội cồng chiêng hoạt động thường xuyên với trên 100 nghệ nhân. Văn hóa truyền thống, trong đó âm nhạc, thổ cẩm đang được trao truyền thế hệ trẻ. Đuốc sáng văn hóa được gìn giữ, tỏa sáng từ những nghệ nhân như Ka Mom dệt thổ cẩm hay K’Wen, K’Liêng, K’Đếu, K’Brèm, K’Brẹo, K’Brel, K’Brẻoh, K’Vẹ, K’Nhớt... đánh cồng chiêng và các nhạc cụ khác. Văn hóa Bảo Lâm càng giàu lên từ giao thoa và tiếp biến giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa các sắc tộc muôn vùng cộng cư. Trở lại xã Lộc Tân, trong tôi vẫn dư ba những giai điệu và sắc màu của 20 năm trước, kèn M’buat, M’bre, tù và của K’Uan, đàn Ding Dias của K’Bệ, tù và, tồng của K’Bach, chất giọng phiêu linh của sơn nữ Ka Sẻo, điệu xoang mềm mượt của Ka Gês, Ka Mền, Ka Dur, K’Brao, K’Brịu...
Không vui sao khi văn hóa truyền thống đang được thế hệ trẻ nâng niu yêu quý như trường hợp K’Thư, người vừa bước vào giảng đường đại học năm thứ nhất ngành Ngữ văn. Thư là hạt nhân văn hóa Mạ ở xã Lộc Bắc. Trên sân khấu mái trường phổ thông cụm xã Lộc Bắc khang trang chan hòa nắng và gió đại ngàn, Thư cùng các học sinh mê say thể hiện những bản tấu chiêng, điều khèn M’buat. Nhà trường là nơi nâng bước các em bằng kiến thức và văn hóa người Mạ thông qua hỗ trợ sưu tầm nghiên cứu, bảo tồn. Nơi tận cùng huyện giờ có hẳn một trường trung học phổ thông quả là niềm hạnh phúc của bước tiến lớn ngành Giáo dục Bảo Lâm. Những ngày đầu thành lập, huyện chỉ có 22 trường với trên 16 ngàn học sinh và hơn 800 người thuộc ngành Giáo dục, nay có 63 trường, một trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp với trên 28 ngàn học sinh và gần 2.100 người làm trong ngành Giáo dục. Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo Hồng Việt Trung rất vui khi chia sẻ với tôi: Bảo Lâm đã có 57 trường đạt chuẩn quốc gia, dự kiến năm học 2024-2025 sẽ đạt 100% và ít nhất 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức 2. “Trường lớp phủ kín địa bàn, không còn học sinh phải đi xa, học ba ca là chuyện xưa rồi. 100% phòng học đã kiên cố hóa, dạy và học hiện đại rồi. Giờ cũng chẳng còn học sinh bỏ học nữa, ví dụ xưa ở Lộc Bắc lo nhất là học sinh bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình nhiều khó khăn...”, anh Trung nói. Ký ức tôi chợt nhớ về vùng này 27 năm trước khi có mặt và trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Bắc Phạm Văn Sinh. Năm 1997 ấy, duy trì sĩ số học sinh của xã chỉ đạt trung bình 75%/năm học...
Chuyến trở về Lộc Bắc lần này tôi đi cùng Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Trương Hoài Minh. Xe chạy bon bon theo đường ĐT 725 bóng nhựa và mềm mại bên cánh rừng lá kim nối với lá rộng. Cảm nhận thật khoáng đạt bình yên. Hơn 30 phút chúng tôi đã đến trung tâm xã Lộc Bảo. Tôi kể với Chủ tịch Minh mấy chục năm trước một mình chạy xe máy xích quấn bánh, miết cả ngày mới thấu. Vị Chủ tịch cười tủm tỉm và cho biết huyện mong sắp tới sẽ tổ chức cuộc thi xe đạp tầm khu vực trên trục giao thông này thành một giải truyền thống. Con đường ĐT 725 thông tận thị trấn Đạ Tẻh, trung tâm của huyện mới phía Nam tỉnh sẽ chính thức sáp nhập từ ngày 1 tháng 11 tới đây. Trung tâm huyện mới Đạ Huoai này có ĐT 721, gạch nối giữa hai Quốc lộ 20 và 14. Chưa nói huyện Bảo Lâm sẽ có cao tốc đi qua mà bây giờ đã thông thương tứ phương rồi. Dự án ĐT 725 đã được phê duyệt nâng cấp đường nối đến ranh giới tỉnh Đắk Nông theo tiêu chuẩn cấp IV miền núi, kết nối với đường Trường Sơn Đông và nâng cấp thành Quốc lộ Trường Sơn Đông trong tương lai. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trịnh Văn Thảo, đến nay Bảo Lâm có gần 109 km đường huyện, đã cứng hóa trên 75,6%; trên 763 km đường xã, cứng hóa 86% và 54/79 cầu đã xây dựng kiên cố... Một số con đường sẽ nâng cấp mở rộng, trong đó đường Hùng Vương đang được nâng lên 4 làn xe ô tô...
Mặc nhiên vùng sâu, vùng xa Bắc - Bảo đã là dĩ vãng, ngược lại, đây là điểm trung gian kết nối huyện Bảo Lâm với các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên. Sự quả quyết của Chủ tịch UBND huyện Dương Sơn Hải vào năm 1997 khi nói với tôi nay là hiện thực sinh động: “Chúng tôi đã và đang quyết tâm xây dựng cụm điểm Lộc Bắc - Lộc Bảo thành mô hình phát triển toàn diện, trong đó mũi nhọn là kinh tế vườn hộ”. Lần này về lại chốn xưa, tôi tranh thủ tìm gặp người quen cũ, anh K’Sung, thủ lĩnh xã Lộc Bắc từ ngày thành lập, có 30 năm giữ các trọng trách lãnh đạo xã cho đến lúc nghỉ hưu. Tuổi 66 nhưng anh Sung vẫn như ngày nào của 27 năm trước tôi và anh cùng vắt cần hút thứ men cây lá của rừng và nghe dân ca Mạ tại nhà anh. Đó là sự rắn rỏi, lanh lợi của người cựu binh và lãnh đạo xã vùng sâu muôn khó. Khuôn mặt anh Sung tươi rạng khi nói: “Tôi mừng là đã lo được điện, đường, trường học, trạm y tế rồi, khác hẳn trước đây. Càng phấn khởi nhất là bà con biết ổn định cuộc sống, biết cách làm ăn, biết trồng ghép nhiều loại cây, nhờ đó mà mức sống của bà con khác hẳn. Trước đây đói nhiều, giờ thì đời sống bà con nổi lên, nhà xây to, sắm sửa nhiều thứ...”.
***
Chiều Bảo Lâm, tôi rảo bộ dọc các tuyến đường nội đô. Sân vận động đầy ắp thanh âm và sắc màu tươi vui của thể dục, thể thao phong trào, của lũ trẻ thả diều. Loa công cộng vang nơi tầng xanh có các chú ve đồng ngân nga. Khoảng trời rực đỏ hoa phượng vĩ... Chiều kích của không gian sống mở tới vô biên, không chỉ ở vật ký mà cả về tâm thức. Và thời gian của Bảo Lâm cũng kéo dài ra từ kinh tế ban đêm. Nhiều quầy hàng tổng hợp, sạp trái cây, bách hóa, quầy ăn uống… nhộn nhịp người vào ra. Nhịp sống đổi thay, hạnh phúc lan tỏa đủ đầy. Đêm Bảo Lâm thật sâu, yên bình một vùng quê. Chốc chốc có cả những khoảnh khắc rộn rịp bởi những chuyến xe container chở hàng chục tấn alumin chạy về chân trời phương Đông, nơi cảng biển. Ngày mới bắt đầu từ ban đêm, trầm tích và sáng tươi.
Mấy ngày ở với Bảo Lâm, tôi thường rảo bộ trên con đường Nguyễn Tất Thành. Trục trung tâm này hai chiều thênh thang, những tòa nhà các cơ quan huyện sừng sững hai bên. Mỗi góc đường lung linh từ ánh hệ thống đèn LED gắn biểu tượng con chim lạc vươn cao. Nó gợi trong tôi một Bảo Lâm vươn lên tầm cao mới sau tuổi ba mươi. Bất chợt những địa danh của huyện cột chặt tâm trí tôi, thân gần, lưu luyến, xác tín tin yêu. Là địa danh hành chính nhưng mỗi “căn cước” là mỗi ấm áp, tươi mới. Mười hai trên mười ba thị trấn và xã bắt đầu bằng từ tố “Lộc” (Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Thắng, Lộc Ngãi, Lộc Nam, Lộc Đức...); tám địa danh có từ tố thứ hai biểu trưng các ý nghĩa của hạnh phúc hay thành tựu: Bảo, Tân, Lạc, An, Đức, Phú, Thành, Thắng. Quả đỗi duyên. Truyền thống và hiện đại, bền bỉ và thủy chung, con người và vùng đất, tất cả các dòng sông đang vươn chảy...
Bảo Lâm - Đà Lạt, năm 2024.