Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế Lâm Đồng

  • 02/01/2025
  • s 15:38

Trong ba khu vực nền kinh tế Lâm Đồng năm 2024, chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 5,1% theo như kế hoạch năm đề ra và được đánh giá tiếp tục trở thành trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh.

Năm 2024, rau, củ, quả các loại xuất khẩu tăng 19,5%

Năm 2024, rau, củ, quả các loại xuất khẩu tăng 19,5%

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, năm 2024, tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, hạn hán, mưa bão, sạt lở đất xảy ra ở một số địa phương, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cơ bản bảo đảm kế hoạch, diện tích gieo trồng các mặt hàng nông sản chủ lực đều tăng so cùng kỳ và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Số liệu thống kê cho thấy, tổng diện tích gieo trồng năm 2024 đạt 417.240 ha, tăng 3,3%; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 69.637 ha, chiếm trên 21,2% diện tích canh tác, tăng 4,1%. Đồng thời Lâm Đồng cũng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bệnh trên cây trồng; các loại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và giảm nhẹ so cùng kỳ.

Đáng chú ý, năm qua, ngành Chăn nuôi tiếp tục gặp những khó khăn do giá vật tư đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y) ở mức cao, trong khi giá bán một số sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp. Đặc biệt, dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông với tổng số lợn mắc bệnh 397 con và đã tiêu hủy toàn bộ; bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại huyện Đạ Huoai; bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa (do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) xảy ra tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh và TP Bảo Lộc với 7.375 con mắc bệnh; trong đó, có 569 con bị chết và đã được tiêu hủy... dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa. Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.364 ha, tăng 5,3%. Mặt khác, liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi được mở rộng; năng suất, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi được cải thiện.

Với sự nỗ lực nêu trên, theo dự thảo báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 của UBND tỉnh, tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 5,1%, chiếm tỷ lệ 43,8% trong cơ cấu kinh tế và tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Lâm Đồng. Cũng cần nói thêm, trong số 3 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó có chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 985,8 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Đóng góp vào giá trị xuất khẩu của tỉnh năm qua, ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ ngành khai khoáng, chế biến, chế tạo; đáng kể phải nhắc tới xuất khẩu các mặt hàng nông nhiệp như: Cà phê nhân tăng 10,6%; rau, củ, quả các loại tăng 19,5%; hoa các loại tăng 7,3%...

Kế thừa kết quả đạt được trong năm 2024, năm 2025, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến toàn diện bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Qua đó, đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano, máy móc thiết bị tiên tiến... Nghiên cứu nhập nội giống cây trồng, vật nuôi năng suất chất lượng cao, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống, bảo đảm nguồn giống phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đến hết năm 2025, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt trên 71.200 ha (gồm 1.000 ha nông nghiệp thông minh) với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt trong nước và quốc tế (như GlobalGAP, HACCP,...) nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn  thực phẩm. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức cấp và quản lý, kiểm soát mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản bảo đảm truy xuất nguồn gốc; phát triển thêm ít nhất 24 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 1 sản phẩm 5 sao.

Song song đó, đẩy nhanh tiến độ rà soát, di dời các cơ sở chăn nuôi tại các vùng cấm nuôi; nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng giống vật nuôi, thuỷ sản; phát triển trang trại quy mô lớn, an toàn sinh học, công nghiệp hiện đại và bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Theo kế hoạch năm 2025 đề ra, tổng đàn gia súc đạt 610.836 con, tăng 3,1%; tổng đàn gia cầm 6.685 ngàn con, tăng 4,3%; diện tích nuôi trồng thủy sản 2.409 ha, tăng 1,2%, trong đó cá nước lạnh 55 ha.

Nâng cao năng lực chế biến, nhất là chế biến sâu để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế kết nối tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng từ 5,2 - 5,4%, góp phần vào tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) của nền kinh tế tỉnh tăng từ 9 - 10% như kế hoạch của Lâm Đồng đề ra trong năm 2025.

XUÂN TRUNG