Năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Công an TP Đà Lạt làm CCCD gắn chip cho người dân. Ảnh: C.Thành |
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh (gọi tắt Ban Chỉ đạo); trong năm 2024, Đề án 06 tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát; Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, thể hiện quyết tâm chính trị cao, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ theo lộ trình kế hoạch đã đề ra.
Nổi bật là thực hiện phương châm “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”, Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh đã ban hành 8 kế hoạch, 2 quyết định và 65 văn bản chỉ đạo quyết liệt, chủ động, xuyên suốt ngay từ đầu năm, bám sát mục tiêu, lộ trình của Đề án và hướng dẫn của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Mục tiêu triển khai “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, vừa là mục tiêu, đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia tích cực” vào quá trình thực hiện. Vai trò người đứng đầu các cấp được nâng lên, các sở, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện.
Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 6 tháng về kết quả triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số |
Cùng với đó, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh về chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng đã được nâng lên rõ rệt. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của tỉnh được duy trì ở mức đánh giá cao 17,5/18 điểm.
Cụ thể, toàn tỉnh đã triển khai cung cấp 1.251 dịch vụ công trực tuyến. Trong kỳ, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 633.428 hồ sơ trực tuyến/ 663.746 hồ sơ tiếp nhận, đạt 95,43%, tăng 25% so với năm 2023. 100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, 100% thủ tục hành chính triển khai thanh toán trực tuyến đều phát sinh giao dịch trực tuyến. Tại thời điểm báo cáo, tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 68,63%, phát sinh 456.858 giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền trên 27.656 triệu đồng.
Đến nay, toàn tỉnh đã cung cấp 471 dịch vụ công đủ điều kiện đưa lên dịch vụ công toàn trình và 780 dịch vụ công trực tuyến một phần. Công tác số hóa hồ sơ thủ tục hành chính đạt kết quả cao, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa, giải quyết trên địa bàn tỉnh đạt 84,43%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có giá trị pháp lý đạt 89,29%. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính của hầu hết cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến xã đã được hoàn chỉnh, 100% cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc, 100% cơ quan, đơn vị nhà nước có mạng nội bộ.
Riêng với nhóm 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; trong đó, việc thực hiện 11 dịch vụ công thiết yếu trong Công an Nhân dân, đã tiếp nhận, giải quyết trên 15,3 triệu hồ sơ trực tuyến/15,4 triệu hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ 99,66%. Một số lĩnh vực đạt tỷ lệ 100%, như: Cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử ở trong nước; Đăng ký mẫu con dấu mới thực hiện tại Công an cấp tỉnh; Đăng ký cấp biển số xe lần đầu tại Công an cấp huyện, tỉnh; Thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng thực hiện tại Công an cấp xã. Cùng với đó, 12 dịch vụ công thiết yếu của các sở, ban, ngành, trong năm đã tiếp nhận, giải quyết gần 101 ngàn hồ sơ trực tuyến/120 ngàn hồ sơ tiếp nhận, đạt 84,1%.
Với nhóm tiện tích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đều có kết quả cao. Cụ thể, trên lĩnh vực y tế, bảo hiểm tiếp tục duy trì việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) thay Bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám, chữa bệnh tại 100% cơ sở y tế. Đến nay, tổng số lượt tra cứu bằng CCCD khai đi khám, chữa bệnh BHYT là trên 3,1 triệu lượt, trong đó hơn 2,5 triệu lượt tra cứu thành công, đạt 82,8%. 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử phát sinh tại đơn vị lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT phục vụ công liên thông…
Để có được các kết quả trên, không thể không nhắc đến vai trò của Cơ quan Công an tỉnh - Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06, đã làm tốt công tác tham mưu, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện Đề án 06. Kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06; theo dõi sát sao, đôn đốc thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện đảm bảo chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.
Về phía địa phương, đã tích cực nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm, giải pháp của các tỉnh, thành phố phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là 19 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 đã thực hiện tại TP Hà Nội. Qua đó, đã hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số và Đề án 06 thành một Ban Chỉ đạo để thống nhất trong công tác điều hành, đảm bảo không chồng chéo. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn về thực trạng hạ tầng, dữ liệu, nguồn lực tại địa phương để có giải pháp, phương hướng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng các nhiệm vụ, yêu cầu của Đề án 06.
Kết quả, nhiều tiện ích của Đề án 06, dữ liệu dân cư, căn cước/CCCD, định danh điện tử được tăng cường ứng dụng vào thực tế phục vụ lợi ích chính đáng của công dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nổi bật là việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 100% đối tượng an sinh xã hội có tài khoản và có nhu cầu chi trả qua tài khoản; thực hiện dịch vụ công trực tuyến, người dân được giảm 20% mức phí, lệ phí và có thể sử dụng dữ liệu cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẽ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; thông qua thẻ căn cước/CCCD, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID…
Theo đánh giá, quá trình thực hiện Đề án 06 đã có cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn và phát huy hiệu quả tại địa phương. Ngoài các mô hình điểm được Tổ công tác Chính phủ triển khai, tỉnh Lâm Đồng đã nghiên cứu, triển khai Mô hình điểm “Hỗ trợ đổi giấy phép lái xe trực tuyến cho người dân tại cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng”. Người dân có thể đăng ký hồ sơ đổi giấy phép lái xe trực tuyến khi khám sức khỏe ngay tại các cơ sở khám, chữa bệnh, giúp người dân thuận lợi và không phát sinh bất kỳ chi phí nào.