Trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất đạt và vượt trong năm 2024, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mới trong năm 2025 với mục tiêu cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến toàn diện bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.
Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung phát triển sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu |
Trong năm 2024, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã vượt kế hoạch đề ra về diện tích gieo trồng với 417.240 ha, phát triển 69.637 ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi, trồng mới 17.637 ha. Đồng thời đạt khá nhiều chỉ tiêu kế hoạch khác như: Hình thành thêm 21 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; nâng tổng số 255 chuỗi toàn tỉnh, trong đó, liên kết trồng trọt 54.270 ha (sản lượng trên 667.252 tấn). Toàn tỉnh thành lập mới 33 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số 462 hợp tác xã nông nghiệp, kết quả hơn 50% hợp tác xã hoạt động xếp loại khá, tốt. Diện tích canh tác tưới từ công trình thủy lợi 50.535 ha; tưới tiên tiến tiết kiệm 52.570 ha.
Thống kê toàn tỉnh công nhận 110 sản phẩm OCOP 3 sao đến 4 sao, nâng tổng số 421 sản phẩm OCOP còn thời hạn, trong đó 414 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 7 sản phẩm OCOP quốc gia 5 sao. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận nâng hạng OCOP 5 sao đối với 7 sản phẩm mới trên địa bàn. Những tháng đầu năm 2024, toàn ngành đã chủ động ứng phó hạn hán kéo dài, kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Những tháng cuối năm 2024, tận dụng các điều kiện thời tiết thuận lợi, toàn ngành đẩy mạnh thâm canh, ổn định diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng trồng trọt trên 4,68% (cây hằng năm tăng 4,8%; cây lâu năm 4,55%), qua đó giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sản xuất nông nghiệp với tỷ trọng chiếm trên 87,9%. Giá trị sản phẩm thu hoạch ước đạt 285 triệu đồng/ha/năm.
Đáng kể trong năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 136.566 ha (tăng 7,9%); cây dài ngày 280.673 ha (tăng 1,2%). Nhiều cây trồng chủ lực tăng lần lượt các tỷ lệ diện tích và sản lượng như: Rau 83.700 ha (10,5% và 7,4%); hoa 10.900 ha (7,6%, và 7,9%); cà phê 176.800 ha (0,7% và 5%); cây ăn quả 42.200 ha (12,7% và 3,7%). Cơ cấu cây trồng chuyển đổi góp phần giảm diện tích canh tác giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha còn 21.721 ha. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao 69.637 ha, trong đó nông nghiệp thông minh 730 ha. So với năm 2023, tăng tỷ lệ các diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP (11%); hữu cơ (18,7%); diện tích cà phê chứng nhận 4C, UTZ (hơn 2,3%). Toàn tỉnh cấp 116 mã số vùng trồng hơn 5.597 ha và 10 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu diện tích nhà xưởng 13.519 m2 cùng 12 mã số vùng sản xuất hạt giống rau xuất khẩu sang thị trường EU với sản lượng trên 5.700 kg/vụ.
Trong năm 2024, tốc độ tăng trưởng toàn ngành gần 4,2%, đóng góp 1,6% vào tăng trưởng chung toàn tỉnh. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, thông minh chiếm trên 40% sản lượng, đóng góp 1,2% trong mức tăng toàn ngành; các mô hình sản xuất tiêu biểu hình thành và nhân rộng; diện tích cây trồng giá trị dưới 50 triệu đồng/ha giảm xuống còn 7,8% diện tích canh tác. Xuất khẩu nông sản tăng sản lượng và giá trị, đặc biệt đối với sản phẩm sầu riêng, rau, hoa…
Mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trong năm 2025, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng gieo trồng đạt 424.149 ha, giá trị thu hoạch bình quân trên 300 triệu đồng/năm/ha. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao hơn 72.100 ha (trong đó, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh 1.000 ha), chiếm 21,6% diện tích canh tác. Diện tích chuyển đổi, trồng mới trên 16.400 ha, giảm diện tích giá trị dưới 50 triệu đồng/ha còn 17.200 ha, chiếm 5,2% diện tích canh tác. Toàn tỉnh đạt 56.000 ha canh tác liên kết, sản lượng trên 800.000 tấn; thành lập mới ít nhất 20 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số toàn tỉnh lên 480 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 60% hợp tác xã hoạt động xếp loại khá, tốt.
Để chuyển đổi sản xuất hiệu quả, giải pháp toàn ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi cơ cấu phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ vào sản xuất, mở rộng cấp mã số và kiểm soát chất lượng vùng trồng, đảm bảo sản phẩm an toàn và chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế…