Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền ngày càng tăng đối với đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

  • 02/02/2025
  • s 10:00

(LĐ online) - Trên thế giới đảng cầm quyền được dùng ở cả các nước tư bản chủ nghĩa và các nước xã hội chủ nghĩa. Đảng cầm quyền là chính đảng thông qua phương thức hoạt động nào đó (bầu cử dân chủ, đảo chính, đấu tranh cách mạng...), giành được quyền thiết lập và điều hành bộ máy chính quyền để thực hiện cương lĩnh, mục tiêu của đảng theo quy định của pháp luật.

Ở phần lớn các nước tư bản chủ nghĩa đảng cầm quyền dùng để chỉ đảng chính trị thắng cử thông qua bầu cử dân chủ cạnh tranh, tuân theo pháp luật quốc gia. Ở các nước xã hội chủ nghĩa đảng cầm quyền được dùng để chỉ thời kỳ đảng cộng sản, thường thông qua cuộc đấu tranh cách mạng vô sản hoặc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, lật đổ bộ máy chính quyền của giai cấp bóc lột, thiết lập nhà nước kiểu mới - nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, để thực hiện mục đích của đảng là xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

 

Ở Việt Nam, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng cầm quyền và là Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhân dân hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[1]. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”[2]. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là sự phản ánh thời kỳ cách mạng đã giành được chính quyền, Đảng được Nhân dân ủy quyền lãnh đạo thiết lập và sử dụng bộ máy nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân và dân tộc.

 Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra những nguy cơ chung của đảng cộng sản cầm quyền, đó là nguy cơ sai lầm về đường lối và quan liêu, xa dân. Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức và từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ đó, đồng thời nhận thức thêm các nguy cơ mới. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ 4 nguy cơ nổi bật của nước ta: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, chịu trách nhiệm và quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bởi vậy, 4 nguy cơ nêu trên của đất nước cũng là 4 nguy cơ của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.

Tại Đại hội X, Đảng nhấn mạnh: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”[4].

Đại hội XII của Đảng khẳng định 4 nguy cơ, thách thức nêu trên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn, như tình trạng tham nhũng, lãng phí, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; vấn đề “lợi ích nhóm”; niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút. Nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là nguy cơ liên quan đến vận mệnh của Đảng, của chế độ ta trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội XIII của Đảng nhận định: 4 nguy cơ vẫn còn tồn tại, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có mặt gay gắt hơn. “Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”[5].

 

Từ những vấn đề chung về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trên, đòi hỏi vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền ngày càng tăng đối với đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc:

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lãnh đạo lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ rõ: Đảng Cộng sản ra đời, tồn tại và phát triển là để lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động lật đổ xã hội áp bức, bóc lột, xây dựng chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội; lật đổ chế độ cũ, đập tan nhà nước áp bức, bóc lột Đảng Cộng sản mới hoàn thành được một nhiệm vụ đầu tiên; nhiệm vụ tiếp theo rất nặng nề, phức tạp của Đảng là lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ thành quả cách mạng. Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tường Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy và lãnh đạo hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở để thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Hệ thống chính trị do giai cấp cầm quyền lập ra và chỉ đạo hoạt động nên hệ thống chính trị ở các nước đều mang bản chất của giai cấp cầm quyền. Hệ thống chính trị ở Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, thể hiện tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định việc xây dựng và hoạt động đúng hướng của hệ thống chính trị, quyết định để hệ thống chính trị mang bản chất giai cấp công nhân. Hệ thống chính trị là một chỉnh thể bao gồm các tổ chức như đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, với những quan hệ tác động qua lại giữa các nhân tố đó trong việc tham gia vào các quá trình hoạch định và thực thi các quyết sách chính trị nhằm bảo đảm quyền lực chính trị đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển xã hội. Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm các tổ chức: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Thưc tiễnkhẳng định Đảng là lực lượng chính trị duy nhất có đầy đủ năng lực, điều kiện cầm quyền xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đem lại độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc thực sự cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cho dân tộc. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong điều kiện đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng ta cần có những giải pháp đột phá: “Tập trung hoàn thiện thể chế, tiếp tục nâng cao năng lực hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng; tăng cường năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thông qua đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là việc ban hành nghị quyết; đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Đảng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường củng cố niềm tin của Nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Tiếp tục nghiên cứu sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính các cấp theo hướng giảm đầu mối trực thuộc Trung ương, giảm cấp hành chính trung gian, chú trọng xây dựng cấp cơ sở vững mạnh, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhất là công tác thẩm định, đánh giá cán bộ; tập trụng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ cấp cơ sở; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung làm động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; kiên quyết, kiên trì đây mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” [6].

Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lãnh đạo đất nước phát triển về mọi mặt đồng thời thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với các quốc gia dân tộc khác trong cộng đồng quốc tế

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền có sứ mệnh làm cho đất nước phát triển về mọi mặt và chịu trách nhiệm về sự phát triển của đất nước trước Nhân dân, trước dân tộc. Đảng đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình đổi mới vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đã lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Là Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm trước Nhân dân, dân tộc về sự phát triển của đất nước, luôn nỗ lực phấn đấu làm tròn trách nhiệm của đảng cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, là chủ thể xác định đường lối đối ngoại của đất nước, quyết định những vấn đề chiến lược, sách lược trong quan hệ đối ngoại. Trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng đã xác định, Nhà nước cụ thể hóa thành chính sách đối ngoại, thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong quan hệ đối ngoại đều dựa trên đường lối, quan điểm đối ngoại của Đảng.

Bốn là, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là chủ thể gìn giữ, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đảng Cộng sản cầm quyền là người tập hợp, đoàn kết toàn thể Nhân dân lao động trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc tạo thành sức mạnh to lớn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Sở dĩ, Đảng tập hợp, đoàn kết được toàn dân tộc là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, phù hợp với lợi ích Nhân dân, dân tộc. Đảng không có lợi ích nào ngoài lợi ích của Nhân dân, của đất nước, của dân tộc.

Gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân là một nguyên lý trong học thuyết Mác-Lênin về chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Ngay từ khi ra đời, Đảng phải dựa vào Nhân dân, liên hệ mật thiết với dân để tuyên truyền vận động Nhân dân, tập hợp Nhân dân, lãnh đạo Nhân dân đứng lên làm cách mạng. Thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân thì Đảng mới có sức mạnh, Nhân dân là động lực của cách mạng, bổ sung nguồn sinh lực cho Đảng. Nhờ gắn bó mật thiết với Nhân dân, phát huy sức mạnh vô địch của Nhân dân mà Đảng đã lãnh đạo Nhân dân giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám; trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược; trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, trong điều kiện nước ta phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những căn bệnh của đảng cầm quyền như quan liêu, tham nhũng, hách dịch cửa quyền, xa dân có cơ hội phát triển... làm giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng. Vì thế, hơn lúc nào hết Đảng phải tăng cường củng cổ mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, đấu tranh, khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, tham nhũng và các tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

- [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.15, tr.611-612.

- [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.88.

- [3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII,H. 1994, tr.25.

- [4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, tr.75.

- [5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.108.

- [6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV (Tài liệu sử dụng tại đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở), Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2024, tr.174-175.

Đại tá, TS Trần Sinh Huy, Học viện Lục quân - Bộ Quốc phòng