Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Di Linh tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao

  • 19/04/2022
  • s 13:05

Sản xuất nông nghiệp ở Di Linh đã có bước chuyển về chất, đó là đã tập trung phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích làm mục tiêu chủ yếu. 

Các hộ nông dân huyện Di Linh tăng diện tích trồng xen nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích

• HIỆU QUẢ CỦA TRỒNG XEN

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích thì trồng xen là giải pháp quan trọng, cần thiết. Do vậy, cùng với cây chủ lực là cà phê, thời gian qua, huyện Di Linh đã phát triển mạnh các loại cây trồng xen như: sầu riêng, bơ, mắc ca, hồ tiêu, bước đầu đem lại hiệu quả thu nhập vượt trội so với trồng thuần cà phê. Qua đó, diện tích các loại cây trồng xen phát triển mạnh, tăng nhanh cả về diện tích cũng như năng suất, sản lượng; giảm dần độc canh cây cà phê. 

Ông Nguyễn Như Quỳnh (Thôn Tân Lạc 2, xã Đinh Lạc) có 1,5 ha đất trồng cà phê từ năm 1990, đến nay cà phê đã già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế thấp. Ông cho biết, gia đình ông thuộc diện gia đình có nhiều đất của thôn, thời kỳ hoàng kim của cây cà phê, gia đình có của ăn, của để. Khi giá cà phê xuống quá thấp hiệu quả không còn cao nữa, ông tìm hướng chuyển đổi cây trồng, qua đó diện tích cà phê già cỗi ông cưa bỏ, thực hiện tái canh, bên cạnh đó, còn trồng xen khoảng 60 cây bơ, 100 cây mắc ca và phá hẳn 2 sào đất để trồng dâu nuôi tằm. Với diện tích trồng xen như vậy, những loại cây này đã cho thu nhập ổn định khoảng 250 triệu đồng/năm. 

Đến nay, tổng diện tích cây trồng xen trên địa bàn huyện là 6.288 ha, trong đó: sầu riêng là trên 2.100 ha, cây bơ là trên 2.200 ha, mắc ca là trên 900 ha, hồ tiêu là trên 850 ha; sản lượng đạt 18.000 tấn.

Tổng lợi nhuận của cà phê xen sầu riêng là hơn 230 triệu đồng/ha, gấp 4,9 lần trồng thuần cà phê; bơ là 188 triệu đồng/ha, gấp 3,9 lần; hồ tiêu là 84 triệu đồng/ha, gấp 1,75 lần; mắc ca là 101,6 triệu đồng/ha, gấp 2,11 lần. 

Ông Đặng Văn Khá, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Di Linh cho biết, những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh việc trồng xen trên diện tích trồng cà phê. Giá trị sản xuất/ha trồng xen tăng khá cao, bình quân đạt từ 180 - 200 triệu đồng/ha; có những diện tích đạt giá trị rất cao, như trồng hoa đạt 1 tỷ đồng/ha.

Qua đó, huyện Di Linh phấn đấu duy trì ổn định diện tích cây trồng xen đến năm 2025 là trên 10.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn; thực hiện đa dạng hoá cây trồng, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ; sản phẩm phải được cấp chứng nhận VietGAP và từng bước GlobGAP, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, mã hoá vùng trồng, định danh sản phẩm; truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng xen. 

• PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU, LIÊN KẾT SẢN PHẨM THEO CHUỖI GIÁ TRỊ 

Nông nghiệp Di Linh có sự phát triển, tuy nhiên, tăng trưởng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu còn chậm; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán; sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi nhưng chủ yếu vẫn dựa vào cây trồng chủ lực là cà phê. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tuy có tăng nhưng còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Các mô hình liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều lúng túng. Qua đó, Di Linh đang từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. 

Ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, hiện nay, huyện đang đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản; đặc biệt là những mặt hàng có lợi thế so sánh như cà phê, mắc ca, sầu riêng, bơ, gắn với xây dựng các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm. Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Ngoài ra, huyện còn tăng cường xúc tiến thương mại củng cố thị trường hiện có, mở rộng thị trường tiêu thụ mới. Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ, tạo sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo thị trường tiêu thụ, làm cơ sở để xây dựng các thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường.... 

Đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp: nhãn hiệu “cà phê Di Linh”, bơ, sầu riêng, mắc ca,... Truy xuất nguồn gốc sản phẩm làm cơ sở quảng bá, chứng nhận sản phẩm. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 80% sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết.

http://baolamdong.vn/