Lamdongtv.vn - Chương trình mỗi xã một sản phẩm gọi tắt là chương trình OCOP được triển khai tại Lâm Đồng được gần 5 năm. Quá trình thực hiện đã phát triển được những sản phẩm nông thôn tiêu biểu, chất lượng cao, góp phần khẳng định giá trị nông sản Lâm Đồng.
Và mỗi chủ thể của các sản phẩm đều có những hướng đi cụ thể, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đa dạng hóa các kênh quảng bá, tiêu thụ để sản phẩm OCOP đến gần hơn người tiêu dùng.
Nấm sạch của công ty Công ty Hồng Ân huyện Đức Trọng là 1 trong 1 sản phẩm vừa được hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao vào đầu năm 2024. Để đạt được các tiêu chuẩn chứng nhận này, các quy trình sản xuất nấm của Công ty luôn được triển khai nghiêm ngặt và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ công đoạn vào phôi nấm cho đến chăm sóc, thu hoạch, đóng gói vận chuyển đều được tuân thủ theo nguyên tắc cụ thể mà trong đó mỗi người lao động phải kiểm soát từng công đoạn của mình.
Song song với công tác chú trọng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP thì các chủ thể là các nông dân, doanh nghiệp, HTX không ngừng tìm kiếm, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ nông sản. Cùng với các phương thức tiêu thụ truyền thống trực tiếp vào các cửa hàng, chợ, siêu thị thì 100% sản phẩm OCOP Lâm Đồng đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử. Đây là một tỷ lệ cao tuyệt đối so với các nông sản thông thường. Các chủ thể sản phẩm OCOP luôn chủ động, tiếp cận các kênh bán hàng trực tuyến nhằm đưa sản phẩm đến rộng rãi hơn với khách hàng. Sau gần 5 năm triển khai, đến nay Lâm Đồng đã có 390 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó: 9 sản phẩm 5 sao, 91 sản phẩm 4 sao, 290 sản phẩm 3 sao. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 420 sản phẩm OCOP trong đó có 404 sản phẩm cấp tỉnh và 11 sản phẩm cấp Quốc gia.
Để đạt được kết quả trên, ngành chức năng Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chuyên đề góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, các chủ thể hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình OCOP. Mặt khác, chú trọng công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại giúp các chủ thể giới thiệu, quảng bá, kết nối, giao thương và ký kết hợp đồng sản phẩm OCOP của tỉnh với hệ thống siêu thị, đơn vị kinh doanh nông sản phực phẩm an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới hình thành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm từ đó phát huy, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP Lâm Đồng.