Bài 2: Sáng tạo những mô hình
Những năm gần đây, Lâm Đồng luôn khẳng định là một điểm sáng trên cả nước về chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Trong đó lực lượng Công an toàn tỉnh đã chủ động tham mưu thực hiện nhiều cách làm sáng tạo, đảm bảo thực chất, cung cấp các tiện ích cụ thể trong việc triển khai Đề án 06 nói chung và các mô hình điểm của Đề án 06 nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Dịch vụ công tại Công an xã Đạ Long |
• KIẾN TẠO THẾ HỆ CÔNG DÂN SỐ
Trước sự phát triển mạnh mẽ của môi trường số, người dân Lâm Đồng ngày càng ứng dụng thành thạo công nghệ vào công việc, giao tiếp, sản xuất, kinh doanh... trên nền tảng kỹ thuật số. Một thế hệ công dân số đang dần hình thành, phù hợp với sự phát triển của thời đại số. Và chuyển đổi số không thể tiến hành thành công nếu như không hình thành được các công dân số.
Phương châm triển khai thận trọng từng bước, có trọng tâm trọng điểm, tránh lãng phí ngân sách nhà nước và kinh phí của doanh nghiệp... được đặt dưới sự chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh. Công an tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực đã tham mưu lựa chọn triển khai thí điểm, tại một hoặc là một vài cơ sở hay cơ quan, đơn vị, sao cho phù hợp với đặc thù của địa phương hay lĩnh vực. Từ đó, nghiên cứu đánh giá hiệu quả thực tiễn của các mô hình trước khi áp dụng rộng rãi. Đồng thời, bên cạnh các ứng dụng, sản phẩm do Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an cung cấp. Công an tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các ứng dụng phần mềm riêng để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh nhà.
Điển hình như vào tháng 10/2023, Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng đã khai trương Điểm hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) tại Trung tâm Y tế huyện Di Linh. Trung tâm Y tế huyện Di Linh là cơ sở khám, chữa bệnh đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng thực hiện mô hình chuyển đổi số, hỗ trợ đổi GPLX trực tuyến cho người dân khi đến làm giấy khám sức khỏe lái xe.
Theo quy trình, người dân sau khi khám sức khỏe cấp đổi GPLX sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn qua Phòng Cấp đổi GPLX trực tuyến do Tổ Công nghệ thông tin - Trung tâm Y tế huyện Di Linh phụ trách. Tại đây, sẽ so sánh các thông tin của người dân và liên thông giấy khám sức khỏe lái xe (GKSKLX) lên cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ngoài mô hình cấp đổi GPLX trực tuyến, Trung tâm Y tế huyện Di Linh còn thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số khác như: Quản lý, tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn huyện Di Linh, Liên thông đơn thuốc điện tử, Đơn thuốc ký số điện tử và thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…
Sau gần 1 năm triển khai, mô hình được đánh giá là bước đột phá trong chuyển đổi số, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và hỗ trợ người dân thực hiện nhanh chóng, thuận tiện sau khi khám sức khỏe được hỗ trợ cấp đổi GPLX tại một đơn vị duy nhất.
Nhân rộng mô hình này, đến nay, hỗ trợ đổi GPLX trực tuyến tại các Trung tâm Y tế huyện Di Linh, Lâm Hà và TP Bảo Lộc đã cấp GPLX cho trên 1.000 người dân, nhận được nhiều sự hưởng ứng của đông đảo người dân các địa phương.
Năm 2023, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Lễ công bố xây dựng Công an các xã là đơn vị tiêu biểu, điển hình trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hay theo Công an huyện Đơn Dương, nơi chọn xã Ka Đô là xã điểm, về xây dựng Công an xã tiêu biểu, điển hình về công tác đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện Đề án 06. Điểm mới, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động Nhân dân theo hướng công nghệ cao đó là xây dựng trang thông tin của Công an xã (qua zalo OA) phối hợp với đơn vị dịch vụ thông tin phát, chia sẻ trên diện rộng theo từng đợt cao điểm. Người dân có thể truy cập và nắm các thông tin liên quan về thực hiện Đề án 06 trên địa bàn. Việc làm này đã đem lại hiệu quả cao, các xã luôn là xã đi đầu, hoàn thành sớm các chỉ tiêu được giao. Đặc biệt là luôn đảm bảo dữ liệu “Đúng, đủ, sạch, sống”; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa theo quy định.
Còn với mô hình chợ 4.0, ngay cả khi người dân ở vùng nông thôn đi chợ mua sắm đồ ăn, vật dụng gia đình thì cũng không cần phải mang theo tiền mặt. Chỉ cần mang điện thoại thông minh, có liên kết tài khoản ngân hàng, việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn, với tính năng quét mã QR.
• NHÂN RỘNG ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
Trong 6 tháng đầu năm, Lâm Đồng đã tổ chức triển khai 33 mô hình điểm ứng dụng những tiện ích được phát triển từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử triển khai tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành triển khai 12 mô hình, 18 mô hình đang triển khai, 3 mô hình đang chờ giải pháp kỹ thuật và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai trong năm 2024.
Quá trình triển khai thực hiện các mô hình đã mang lại lợi ích thiết thực cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, như: Trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến: hỗ trợ, giúp người dân hiểu, nắm và thực hiện một cách dễ dàng, thuận tiện trong quá trình tham gia các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, ứng dụng công nghệ tự động hóa được hỗ trợ tại kiosk không cần cán bộ trực tiếp tiếp nhận và trả kết quả dịch vụ công liên thông, phát huy giá trị của công tác số hóa dữ liệu, lưu trữ điện tử, tái sử dụng dữ liệu số hóa.
Phát huy giá trị của ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID: Hỗ trợ người dân khi đến cơ sở khám, chữa bệnh chỉ cần mang theo căn cước công dân hoặc điện thoại thông minh đã có ứng dụng VNeID; hỗ trợ giúp người dân tố giác tội phạm kịp thời, tiện lợi, bảo đảm bảo mật thông tin cá nhân theo quy định. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh nắm rõ mục tiêu, nội dung Đề án 06 và người dân nắm, hiểu cùng đồng hành thực hiện...
Đại tá Bùi Đức Thịnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để phát huy hiệu quả nhân rộng các mô hình điểm Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, chúng tôi tập trung phát huy vai trò cơ quan thường trực, tham mưu cho tổ công tác Đề án 06 của tỉnh có các giải pháp để khắc phục những khó khăn về hạ tầng công nghệ cũng như là khó khăn về các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án nói chung cũng như là thực hiện các mô hình điểm Đề án 06 nói riêng.
Có thể khẳng định, những mô hình điểm Đề án 06 được xây dựng nếu được triển khai trên diện rộng thì sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực là chìa khóa tạo nên đột phá thúc đẩy mạnh mẽ toàn diện phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, còn tạo thói quen về công nghệ và chuyển đổi số thay đổi tư duy của người dân, doanh nghiệp hình thành thói quen sử dụng công nghệ trong các hoạt động của đời sống xã hội cũng như sản xuất, kinh doanh từ đó phát triển chính quyền số, công dân số, kinh tế số lên một tầm cao mới.
(CÒN NỮA)