(LĐ online) - Đó là tên mô hình dân vận khéo vừa ra mắt chiều 10/10, do Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng tổ chức nhân dịp hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.
Tại đây đã bàn giao mô hình dân vận khéo “chuyển đổi số - vì nhân dân phục vụ” tại 3 xã Đạ Ròn, Lạc Xuân, Tu Tra của huyện Đơn Dương.
Kiểm tra camera giám sát của mô hình dân vận khéo “Chuyển đổi số - Vì nhân dân phục vụ” |
• CHUYỂN ĐỔI SỐ - VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ
Để Đây là mô hình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024 và mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm triển khai, hỗ trợ các ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy các giải pháp giúp người dân tham gia chuyển đổi số; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Mô hình “chuyển đổi số - vì nhân dân phục vụ” gồm các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt hằng ngày của người dân được xây dựng và phát triển trên nền tảng số, như vận hành, chuyển giao quản lý 24 camera an ninh tại các điểm trọng yếu; lắp đặt, bàn giao đường truyền internet, thiết bị phát wifi tại hội trường 37 thôn thuộc địa bàn 3 xã nêu trên; phát 450 bảng mi-ca gắn mã QR phục vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các cơ sở kinh doanh và quầy hàng của tiểu thương các chợ; phát 30 nghìn tờ gấp tuyên truyền về an toàn giao thông, cảnh báo các hành vi lừa đảo trên môi trường mạng, phòng chống đuối nước trẻ em, phòng chống rác thải nhựa; trang bị máy bấm số tự động và máy tính tại bộ phận một cửa, phục vụ tra cứu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến…
Giới thiệu các tiện ích của các mô hình |
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng, từ những kết quả bước đầu của mô hình mẫu “chính quyền số-vì nhân dân phục vụ” này, thời gian tới sẽ được nghiên cứu triển khai nhân rộng để làm những mô hình tốt, hạt nhân tốt về chuyển đổi số tại các địa phương trong tỉnh
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024, Trung tâm xử lý tin giả và thông tin xấu độc tỉnh Lâm Đồng chính thức được đưa vào hoạt động. Dịp này, VNPT Lâm Đồng ra mắt mô hình “Ki-ốt dịch vụ công tự động-Đột phá về chuyển đổi số trong thực hiện dịch vụ công”; Viettel Lâm Đồng triển khai kế hoạch hỗ trợ tặng máy 4G đối với 13.650 khách hàng trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị 6,1 tỷ đồng…
Mô hình “Ki-ốt dịch vụ công tự động - Đột phá về chuyển đổi số trong thực hiện dịch vụ công” |
Với những kết quả bước đầu của mô hình mẫu “Chính quyền số - Vì Nhân dân phục vụ” được triển khai tại 3 xã của huyện Đơn Dương hy vọng sẽ là những mô hình tốt, hạt nhân tốt về chuyển đổi số để các địa phương khác nghiên cứu triển khai nhân rộng. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với UBND huyện Đơn Dương có trách nhiệm theo dõi giám sát hoạt động của mô hình để đánh giá kết quả hoạt động và lan toả mô hình đến với các địa phương.
Với nền tảng và những kết quả tích cực trong thời gian qua, với khí thế mới, sự khát vọng vươn lên và cùng đồng hành phấn đấu đạt nhiều thành tích trong đợt thi đua cao điểm “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên cùng đất nước”,
• TIẾP TỤC CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN TRÌNH
Tiếp tục phát huy tinh thần hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia hằng năm, chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh tổ chức sự kiện có ý nghĩa này, thể hiện quyết tâm của Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Ra mắt Trung tâm xử lý tin giả và thông tin xấu độc tỉnh Lâm Đồng |
Sau gần 03 năm triển khai Nghị quyết số 12/NQ-TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh; đến nay, có thể khẳng định rằng về cơ bản Lâm Đồng đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận, nổi bật trong đó: Toàn tỉnh hiện có 14 Trung tâm IOC đang được vận hành, khai thác, tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các cơ sở dữ liệu để triển khai kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở của tỉnh.
Đại biểu tham dự hội nghị |
Đối với Nền tảng số: Triển khai, duy trì hoạt động có hiệu quả Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) đã kết nối với 17/17 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng tỉnh Lâm Đồng và Nền tảng họp trực tuyến được duy trì, vận hành ổn định, kết nối 175 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối với Dữ liệu số: Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; dữ liệu hộ tịch, đất đai, thông tin người lao động, hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo hiểm, giáo dục, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. Triển khai thanh toán viện phí, học phí, chi trả an sinh xã hội (chi lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp),... không dùng tiền mặt.
142/142 xã, phường, thị trấn đều có Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.538 thành viên (đạt 100%), 1.367 tổ CNSCĐ của các thôn/tổ dân phố với 9.287 thành viên. Về cơ bản, cán bộ từ cấp thôn tới cấp tỉnh đã tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số.
Đóng góp vào kết quả chung của toàn tỉnh trong thời gian qua, là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương; đồng thời phải kể đến sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của các tập đoàn, doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghệ; sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số Lâm Đồng ngày càng lan tỏa |
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức, đó là: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về chuyển đổi số còn chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số; kỹ năng số cơ bản và thói quen sử dụng công nghệ số còn hạn chế; Nhân lực có trình độ công nghệ thông tin làm việc trong các cơ quan, đơn vị và trong doanh nghiệp còn thiếu; hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn ở một số địa phương hoạt động chưa thực sự hiệu quả; Nguồn lực dành cho công tác chuyển đổi số còn hạn chế. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số hiện nay...
Ông Lê Thành Liêm - Phó Giám đốc sở Thông tin và truyền thông tỉnh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thành Liêm - Phó Giám đốc sở Thông tin và truyền thông tỉnh nhấn mạnh: Xác định nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2025 và những năm sắp đến tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông mạnh mẽ về chuyển đổi số; làm tốt công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cơ bản, tạo và duy trì thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Huy động, phát huy vai trò trung tâm và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng cả hệ thống chính trị triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số theo phương châm “Toàn dân, toàn diện”. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng; Phát huy vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh phong trào phát triển công dân số trong các tầng lớp nhân dân.
Tập trung phát triển kinh tế số; đưa tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh tăng dần qua từng năm. Tích cực hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử và có phát sinh giao dịch. Đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, phần mềm du lịch thông minh nhằm hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch.
Nghiên cứu đề xuất đưa một số chỉ tiêu quan trọng mang tính đột phá về chuyển đổi số đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm để giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện; đồng thời, tham mưu để đưa một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030.