Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Hoang sơ miền cổ tích trong ''Truyện kể K’Ho''

  • 22/02/2024
  • s 09:15

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng vừa mang đến bạn đọc tuyển tập “Truyện kể K’Ho” do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành, hai nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Lê Hồng Phong và Trần Thanh Hoài chủ biên. Đây là tuyển tập đầu tiên nằm trong công trình dài tập “Văn học dân gian Lâm Đồng” nhằm thiết thực thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”. 

Không gian sống của người K’Ho ở Lâm Đồng. (Ảnh chụp tại làng Bang Bị, xã Tà Nung, Đà Lạt tháng 2/2024)

Không gian sống của người K’Ho ở Lâm Đồng. (Ảnh chụp tại làng Bang Bị, xã Tà Nung, Đà Lạt tháng 2/2024)

Truyện kể K’Ho là tuyển tập 91 truyện dân gian của dân tộc K’Ho - một trong ba dân tộc bản địa sinh sống từ lâu đời ở đại ngàn Nam Tây Nguyên. Tác phẩm là thành quả điền dã sưu tầm của nhiều thế hệ người làm công tác văn hóa, văn nghệ dân gian, những người tâm huyết với văn hóa dân tộc dày công sưu tầm. Trong gian đoạn từ những năm 1988 - 1999, khi đời sống còn thiếu thốn, phương tiện giao thông khó khăn, đường sá đi lại cách trở, bước chân của họ đã đến những buôn làng xa xôi, hẻo lánh, những đêm bên bếp lửa cùng ăn, cùng ở, hỏi chuyện, sưu tầm chủ yếu bằng phương pháp nghe kể, ghi chép, ghi âm, nghe dịch lại từ những con người thật. Ban Biên tập là những người tâm huyết với văn học dân gian, văn hóa dân tộc: Trần Thanh Hoài, Lê Hồng Phong, Hoàng Mạnh Tiến, Mai Minh Nhật, Khuất Minh Ngọc, Ngọc Lý Hiển đã chọn lọc từ hàng trăm truyện và các dị bản chưa công bố, lần đầu tiên được tập hợp, biên soạn và in thành sách. 

Tuyển tập Truyện kể K’Ho

Tuyển tập Truyện kể K’Ho

Không gian truyện trải dài từ Lạc Dương, Đam Rông đến Đạ P’Loa, Đoàn Kết (Đạ Huoai). Mỗi truyện thường do một nhóm sưu tầm từ 3 - 5 thành viên thực hiện điền dã tại từng buôn làng, địa danh, người kể cụ thể. Vài thập kỷ đã trôi qua, người lặn lội vào từng buôn làng trong điều kiện đời sống còn khó khăn nay đã có tuổi, người kể chuyện - già làng nay đã về với tổ tiên. Tác phẩm được biên soạn từ tài liệu ghi chép tay, các nhà biên soạn đã giữ nguyên phong cách văn nói hồn nhiên, mộc mạc, bình dị theo lối tư duy, lối kể và giữ lại tất cả các tình tiết của cốt truyện, các hành động của nhân vật. 

Sự hấp dẫn của những câu chuyện trong “Truyện kể K’Ho” chính là tính thần thoại, một số truyện có nhân vật chính là động vật mang tính hài hước, vui vẻ. Thể loại truyện cổ tích có pha lẫn yếu tố hoang đường, huyền ảo, các nhân vật là động vật, là yếu tố tự nhiên (mưa, gió, sấm, chớp, sông, suối, cây, rừng…) được nhân cách hóa. Bên cạnh đó, cuộc đời và số phận của những con người kém may mắn như mồ côi, người con riêng, người con út được các thế lực thần kỳ, thần linh phù trợ, cứu giúp trước ma quỷ làm hại. Kết cục, các nhân vật bất hạnh đều vượt qua gian khó, trở nên giàu sang, hạnh phúc, xinh đẹp, được yêu quý. 

Việc lý tưởng hóa, khát vọng vươn tới của con người với ước mong cái thiện luôn chiến thắng cái ác thể hiện rõ trong nhiều câu chuyện. Chuyện Ha Tông, Ha Siêng đánh nhau với thú dữ; chàng trai K’Bla nghèo mồ côi cha mẹ được thần N’Đu cứu giúp cho thóc đầy bồ, trở nên giàu có. Tất cả là những ước mơ, những khát khao của con người, niềm hạnh phúc, niềm vui, cuộc sống sung túc sẽ đến xua tan nỗi khốn khó, hạnh phúc, ấm no sẽ thay cho đói nghèo, bất hạnh.

Mỗi câu chuyện thường ngắn, không nhiều tình huống, tình tiết như các truyện cổ của các dân tộc khác, nhưng nổi bật lên là sự hồn nhiên, mộc mạc trong cách kể, cách mô tả sự vật, hiện tượng cũng làm người đọc thích thú. Sự hình thành các địa danh như: Đạ Oai, Đạ Lềng, K’Long K’Lin, K’Long Đao, B’Lao… được giải thích. Như trong chuyện “Sự tích Đạ Oai” kể có hai vợ chồng chăm làm nương rẫy, rồi bà sinh được một đứa con trai trên núi đặt tên là Oai. Oai lớn nhanh như một cây to trong rừng. Một ngày tháng 7, Oai đi săn chim B’lao thấy một bầu nước to bèn lấy cung tên bắn quả bầu nước. Nước trong bầu chảy ra, chảy nhiều, chảy mãi, Oai đi đến đâu nước theo đến đó. Cứ mỗi nơi Oai đi qua, dừng lại nghỉ thì sau bảy ngày lại thành một ục nước to, Oai lại đặt tên các bon làng. Trở về bon B’Jah nơi mình sinh ra, Oai đem theo cả dòng nước có nhiều con tôm, con cá. Dòng nước ấy khi nắng to cũng không bao giờ cạn, bon làng anh trở nên giàu có, nhiều chóe, nhiều chiêng. Khi Oai chết đi, con cháu gọi tên dòng nước là Đạ Oai. 

Bên cạnh văn hóa tâm linh, tín ngưỡng như quan hệ con người với thần linh, ma quỷ; các truyện kể cho người đọc thấy rõ cấu trúc xã hội sơ khai nguyên thủy, các hoạt động kinh tế chủ yếu là săn bắt, hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi tự cấp tự túc. Các sinh hoạt văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, các phong tục, tập quán trong hôn nhân, ma chay, tiếp khách… Tất cả phản ánh rõ nét nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào K’Ho về xã hội, đạo đức, tín ngưỡng, loài người, thiên nhiên, vũ trụ. Điều đó đã làm nên giá trị văn hóa, giá trị văn học của truyện kể dân gian K’Ho. 

Các phong tục, tập quán như sinh hoạt văn hóa, đánh cồng chiêng, ứng xử giữa vợ chồng, cha con, anh em, bon làng, sự giao hòa giữa con người với muông thú, thiên nhiên. Trong đó, muông thú đều biết nói: chim, hổ, nai, voi, gấu, chuột, nhím, heo rừng…; những con vật đã thuần dưỡng: trâu, bò, gà, dê, chó như những người bạn với con người. Những câu chuyện thần thoại như người hóa thành voi, người hóa chim, hóa cá, hóa dê…

Cảnh lao động sản xuất được lặp đi lặp lại trong nhiều câu chuyện như dân làng cùng nhau đắp đập, chặn suối, phát rừng làm rẫy, chinh phục thiên nhiên; đời sống sinh hoạt giữa đại ngàn hoang sơ: dọn rẫy, đi rừng, ra suối bắt cá, mài xà gạc, trỉa lúa, trồng bắp, gùi cháo, câu cá, nướng thịt thú rừng. 

Trong từng câu chuyện là đời sống sơ khai của đồng bào K’Ho nơi núi rừng, là phong tục, tập quán, là lối tư duy qua các nhân vật trong truyện. Đó còn là sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, đất trời, là lối nghĩ, cách nghĩ, cách sống, mối quan hệ con người, ý ăn ý ở, lối ứng xử… Không chỉ mang giá trị văn học mà “Truyện kể K’Ho” còn chứa đựng cả giá trị văn hóa.

Theo hai nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Lê Hồng Phong và Trần Thanh Hoài (đồng chủ biên) nhận định: “Đọc tập truyện này, ngoài giá trị văn học trong việc phản ánh hiện thực cuộc đời và số phận con người, có một giá trị bao trùm và phổ quát là giá trị văn hóa của văn học, giá trị văn hóa của truyện kể K’Ho. Ngoài văn hóa tâm linh như tín ngưỡng về thần - ma, quan hệ giữa con người với thần linh và ma quỷ, qua tập truyện này, chúng ta sẽ thấy được cấu trúc xã hội lúc bấy giờ còn sơ khai, các hoạt động kinh tế thông qua các hoạt động sản xuất chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi đến săn bắt, hái lượm; các sinh hoạt văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần, đặc biệt là các phong tục trong hôn nhân, ma chay, tiếp khách… Tất cả những điều đó phản ảnh quan niệm về xã hội, đạo đức, phong tục, tín ngưỡng của đồng bào K’Ho, làm nên các giá trị văn hóa và giá trị văn học của truyện kể dân gian K’Ho”. 

Tác phẩm là thành quả dày công của những người sưu tầm, người biên soạn, là cả trách nhiệm, tâm huyết của những người làm công tác văn hóa với giá trị văn hóa dân tộc, ngăn chặn văn học truyền miệng, văn học dân gian bị mai một.

QUỲNH UYỂN