Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Chuyển đổi số ‘chắp cánh’ Lâm Đồng hoá ‘thiên đường xanh’

  • 21/04/2024
  • s 17:03

TPO - Sở hữu thắng cảnh thần tiên, Lâm Đồng đặt mục tiêu trở thành "Thiên đường xanh", thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống. Chuyển đổi số sẽ "chấp cánh' cho Lâm Đồng hiện thực hoá mục tiêu.

Tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 với chủ đề Thúc đẩy chuyển đổi sốchuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia – Hà Nội, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ những kết quả nổi bật về chuyển đổi số ở Lâm Đồng.

Theo đó, chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội, chuyển đổi số mang lại cả cơ hội và thách thức đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân phải thay đổi để phù hợp với xu thế hội nhập.

Đứng trước nhiệm vụ chính trị, ngày 25/5/2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 12 về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên tinh thần ấy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 5731 ngày 3/8/2022 nhằm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Chuyển đổi số ‘chắp cánh’ Lâm Đồng hoá ‘thiên đường xanh’ ảnh 1
Trung tâm điều hành thông minh IOC huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng). Ảnh: Báo Lâm Đồng

Với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, chuyển đổi số Lâm Đồng đã đạt những kết quả quan trọng. 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có hạ tầng đảm bảo công tác điều hành qua môi trường mạng; hình thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G, thí điểm phát sóng 5G tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh có hơn 11.000 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng chủ yếu là học sinh và đoàn viên thanh niên; tích hợp chuyển đổi số để thực hiện Đề án 06, hợp nhất hệ thống một cửa điện tử và cổng dịch vụ công thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng và triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban ngành, UBND cấp huyện và cấp xã.

Thực hiện tốt bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến xếp thứ 5/63 tỉnh, thành cả nước. Đặc biệt, hiện nay đã có 4 huyện và thành phố (Đà Lạt, Lạc Dương, Đạ Tẻh, Bảo Lộc) và Sở Giáo dục và Đào tạo đã hình thành trung tâm điều hành thông minh (IOC).

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh chỉ đạo lộ trình đến 30/9/2023 tất cả 12/12 huyện, thành phố và một số sở, ngành (Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UBND tỉnh, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế) hình thành trung tâm điều hành thông minh (IOC). Theo lộ trình, Lâm Đồng sẽ trở thành một trong những địa phương tốp đầu cả nước có 100% UBND cấp huyện hình thành trung tâm điều hành thông minh (IOC).

Toàn tỉnh Lâm Đồng có 12 sàn giao dịch thương mại điện tử đã được Bộ Công thương xác nhận. Đây là một kênh thông tin giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới khách hàng trong và ngoài nước và thị trường tiềm năng.

Chuyển đổi số ‘chắp cánh’ Lâm Đồng hoá ‘thiên đường xanh’ ảnh 2
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện các hoạt động từ không gian thực lên không gian số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực cho tăng trưởng mới, đồng thời giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Nhờ xác định đúng hướng, đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trên các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, Lâm Đồng đang dần phát huy hiệu quả rõ rệt công cuộc chuyển đổi số một cách quy mô, bài bản, toàn diện.

Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; trở thành "Thiên đường xanh" với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu đạt các tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên

Vào sáng 24/4 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định (số 1 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn), Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với sự tham dự của đại diện nhiều bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp và 13 địa phương trong khu vực. Hội thảo sẽ lắng nghe nhiều tham luận về vai trò, xu thế, định hướng phát triển kinh tế số cũng như các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong phát triển kinh tế số.

Chi tiết hội thảo và các bài tham luận sẽ được tường thuật trực tiếp trên báo Tiền Phong ở địa chỉ Tienphong.vn, được livetreams trên Fanpage của Báo Tiền Phong và trên kênh YouTube của Báo Tiền Phong.

Huỳnh Thủy