Cách xa đất liền hàng trăm hải lý, luôn đối mặt với sóng to, gió lớn, nhưng suốt 35 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn DK1 vẫn luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn với quyết tâm “còn người, còn nhà giàn”; để lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang giữa biển, trời của Tổ quốc, là sự khẳng định đanh thép về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam.
Bài 1: Nhà giàn DK1 - vững chãi, hiên ngang giữa sóng nước
Đã hơn ba thập kỷ trôi qua, kể từ ngày đầu các CBCS trên con tàu đơn sơ, kiên trì rẽ sóng, vượt gió tìm “đất” để xây dựng Nhà giàn DK1 trên biển. Từ đó đến nay, trải qua bao phong ba, bão táp, Nhà giàn DK1 vẫn sừng sững hiên ngang giữa trùng khơi sóng gió, như một “thành lũy thép” kiên cố, vững vàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo nơi thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Nhà giàn DK1 nay kiên cố, vững chãi giữa trùng khơi |
• NHỮNG TIỀN ĐỒN TRÊN BIỂN
Nằm án ngữ trên tuyến đường hàng hải Quốc tế qua Biển Đông, khu vực biển DK1 là nơi không chỉ có nhiều tiềm năng về kinh tế biển với trữ lượng dầu khí lớn, nguồn thủy sản phong phú mà còn có vị trí địa lý rất quan trọng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển và phòng thủ bảo vệ đất nước từ xa.
Chính vì lẽ đó, vào thời điểm năm 1987, đầu năm 1988, tình hình chủ quyền khu vực Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Với tầm nhìn chiến lược, tháng 10/1988, Phó Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh, Bí thư Đảng uỷ Quân chủng Hải quân trực tiếp giao cho Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực các bãi đá ngầm Tư Chính trên thềm lục địa phía Nam. Trước mắt tiến hành ngay việc khảo sát các bãi đá ngầm khu vực này phục vụ cho xây dựng các Nhà giàn DK1 nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc cũng như thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển. Thực hiện nhiệm vụ, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 lập tức đi thăm dò, khảo sát và tiến hành thiết kế, xây dựng các nhà giàn trên các bãi đá ngầm.
Tháng 7/1989, Nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng, thuộc cụm Phúc Tần. Từ đó đến nay, đã có 15 Nhà giàn DK1 thuộc các cụm: Ba Kè, Phúc Tần, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên, Huyền Trân và Bãi cạn Cà Mau được xây dựng và tạo thành một vành đai thép - giúp chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.
Các thế hệ lính Nhà giàn DK1 kiên trung giữ biển |
Để tăng cường sức chiến đấu và khả năng quản lý bảo vệ DK1 của lực lượng tại chỗ, năm 1993, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Khung quản lý DK1, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn DK1, trực thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân trên cơ sở các đơn vị Nhà giàn DK1 được xây dựng, với nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt là tổ chức chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo nước ta.
Việc xây dựng Nhà giàn DK1 có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng. Đô đốc Giáp Văn Cương đã từng nói: “Nếu ví đất liền là nhà thì thềm lục địa là sân. Ai muốn vào nhà thì phải qua sân, qua thềm. Khu vực Thềm lục địa phía Nam là sân, là thềm của căn nhà Việt Nam. Chúng ta phải quyết tâm đóng giữ thật vững chắc nơi đây”.
Khu vực DK1 là vùng biển nằm trên thềm lục địa phía Nam nước ta, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. DK1 là chữ viết tắt của Cụm dịch vụ Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật, được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, cách đất liền khoảng 250 đến 350 hải lý. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà giàn DK1 là đóng chốt, canh giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa. Việc thành lập Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng và phát triển kinh tế biển gắn chặt với yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. |
• LÍNH NHÀ GIÀN NGÀY ĐÊM BÁM CHỐT
Trải qua gần 35 năm, từ 3 đơn vị nhà giàn đầu tiên với mấy chục CBCS, đến nay, Tiểu đoàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam đã có 15 đơn vị nhà giàn với hàng trăm CBCS. Tiểu đoàn DK1 trở thành một lực lượng độc lập nằm trong đội hình chiến đấu quan trọng của Vùng 2 Hải quân, đứng chân trên vùng biển thềm lục địa phía Nam.
Xác định rõ nhiệm vụ và vai trò, vị trí địa lý đặc biệt quan trọng của thềm lục địa phía Nam trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và đối ngoại của nước ta, Tiểu đoàn DK1 luôn chú trọng công tác huấn luyện CBCS bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; tập trung huấn luyện đồng bộ các kỹ năng để CBCS nhà giàn thực sự làm chủ các loại phương tiện khí tài, trang bị kỹ thuật phục vụ cho thông tin liên lạc, xử lý trên không, trên biển và xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra.
Đặc biệt, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đời sống vật chất, tinh thần của CBCS ở các Nhà giàn DK1 đã có nhiều cải thiện. Nhà giàn mới được xây dựng kiên cố, có khả năng chịu được sóng to, gió lớn và được đầu tư, trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của CBCS nơi đây.
CBCS tăng gia sản xuất trên nhà giàn |
Hiện nay, toàn bộ các nhà giàn đều có hệ thống pin năng lượng mặt trời đủ cấp điện cho công tác và sinh hoạt; đa số đã có máy lọc nước biển để cải thiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tại đây cũng đã được phủ sóng mạng điện thoại Vinasat và truyền hình K+, nhờ vậy mọi tình hình ở đất liền cũng như ở biển, đảo đều được các chiến sĩ nhanh chóng cập nhật. Ngoài giờ làm việc, CBCS có thể rèn luyện sức khỏe tại phòng tập thể thao hay đọc sách, báo. Để chủ động nguồn thực phẩm, CBCS nhà giàn còn tích cực tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, chăn nuôi heo, gà, vịt… Đời sống vật chất, tinh thần được đảm bảo, CBCS Nhà giàn DK1 có thể yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Mặc cho những khó khăn, trở ngại do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, CBCS Nhà giàn DK1 vẫn giữ chắc tay súng, vững chân sóng, ngày đêm trực chiến, bảo vệ an toàn các nhà giàn và khu vực biển trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Thượng tá Nghiêm Xuân Thái - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 khẳng định: “Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng CBCS của Tiểu đoàn DK1 ở các nhà giàn đã kế thừa xứng đáng truyền thống anh hùng, duy trì nghiêm công tác trực chiến, canh giữ biển, đảo, thềm lục địa; phát hiện và báo cáo kịp thời hàng ngàn lần mục tiêu trên biển, trên không. Cùng các lực lượng chức năng tạo thành thế liên hoàn vững chắc, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, hành động của các thế lực xâm lấn, bảo vệ an toàn các nhà trạm, khu vực biển được giao quản lý và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Sóng, gió, khắc nghiệt của thiên tai có thể làm lung lay các nhà giàn nhưng tinh thần thép, ý chí kiên cường của CBCS nơi đây thì không sóng gió, thiên tai nào lay chuyển được!”.
(CÒN NỮA)