Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Phát triển đảng viên tại Lâm Đồng - những vấn đề đặt ra (Kỳ 1)

  • 25/08/2023
  • s 10:38

Phát triển đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, quyết định sự tồn tại và phát triển của Đảng. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 21 về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Để thực hiện có hiệu quả tinh thần Nghị quyết của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng, quan tâm tới công tác phát triển đảng viên, qua đó xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh. Và thực tiễn đã đặt ra những vấn đề cần quan tâm để xây dựng được đội ngũ đảng viên đảm bảo về số lượng và được nâng cao chất lượng.

Kỳ 1: Vì sao "nguồn" có nhưng khó kết nạp?

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định những nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng và đã có những chỉ đạo rất cụ thể, đó là: “Coi trọng công tác phát triển Đảng, chú trọng chất lượng. Phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những thanh niên ưu tú trưởng thành trong phong trào lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang, tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp”. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, công tác phát triển Đảng tại Lâm Đồng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Số lượng đảng viên được kết nạp chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực sẵn có. 

Số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho thấy trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 3.977 đảng viên.

Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết, nguồn kết nạp đảng viên của tỉnh chúng ta không thiếu, thậm chí rất dồi dào, phong phú. Tổng từ đầu nhiệm kỳ có 8.527 quần chúng được giới thiệu học lớp nhận thức về Đảng, trong đó chỉ kết nạp được 3.977 đảng viên, còn 4.550 quần chúng chưa kết nạp, do đó nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu xây dựng Đảng khẳng định không thể nói là không có nguồn.

Thực trạng từ khu dân cư trong toàn tỉnh hiện nay cho thấy, tỷ lệ trưởng thôn, tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận, các hội, đoàn thể ở khu dân cư là đảng viên còn thấp với 44%. Trong khi yêu cầu và nhu cầu rất cần đảng viên để xây dựng lực lượng nòng cốt tại cơ sở. Đây phải là đội ngũ cốt cán nắm giữ các vị trí trưởng, phó các đoàn thể chính trị - xã hội. 

Cũng qua khảo sát, nắm bắt tình hình khó khăn trong phát triển đảng, đội ngũ cán bộ chuyên môn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận thấy: Trước hết, về thủ tục, quy trình thẩm tra kết nạp đảng còn kéo dài; công tác phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, lực lượng vũ trang còn hạn chế. Nguồn kết nạp ở các địa phương, khu dân cư, tổ dân phố ngày càng khó khăn do sự dịch chuyển, di cư lao động ở nông thôn sang các đô thị, thành phố lớn, nhất là lao động trong độ tuổi từ 18-35. Điều này đã phần nào ảnh hưởng nguồn kết nạp ở các địa phương.

Một yếu tố tồn tại hiện nay có nguồn nhưng khó kết nạp, đó là trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường THPT do điều kiện để vào Đảng rất khắt khe và để nỗ lực đạt tiêu chí, mỗi em học sinh, sinh viên phải không ngừng nỗ lực, bền bỉ qua nhiều năm học. 

Đồng chí Nguyễn Văn Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Đà Lạt phân tích và cho rằng: Hiện nay, chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn kết nạp Đảng cho khối trường học nói chung, sinh viên nói riêng. Để thực hiện công tác tạo nguồn phát triển Đảng, Đảng ủy ban hành Công văn số 59, ngày 12/4/2021 về nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên, đưa ra tiêu chí điều kiện cụ thể đối với từng nhóm quần chúng. Để gắn với tình hình thực tế của trường thì một số chỉ tiêu đã được hạ xuống như: tiếng Anh và tin học. Một số sinh viên khi được chuyển tiếp về Đảng bộ để tiếp tục theo dõi để kết nạp thì không đảm bảo về tiêu chí học tập nên không thể xem xét kết nạp. Đa số sinh viên được đưa vào đối tượng theo dõi, kết nạp đều thực hiện từ năm thứ 3 hoặc thứ 4. Vì điều kiện kéo theo còn tính theo kết quả học tập và thành tích khi tham gia các hoạt động phong trào, nên sau khi thẩm tra lý lịch đủ điều kiện xem xét lại kết nạp vào Đảng thì sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Đây cũng là cái khó và đáng tiếc. 

Công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức. Theo tổng kết Chỉ thị 34 từ năm 1998 đến tháng 7/2023: Toàn tỉnh kết nạp 324 đảng viên, trong đó có 9 học sinh, 315 sinh viên vào Đảng. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quan tâm đúng mức công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên.

Nắm bắt, lắng nghe tâm tư của các tầng lớp học sinh, sinh viên hiện nay chúng tôi nhận thấy vẫn còn tình trạng một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên còn thờ ơ với công tác Đảng, với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Xu hướng kết nạp Đảng trong những năm qua có chiều hướng giảm dần. Năm 2017: 2.027; năm 2018: 1.953; năm 2019: 1.550; năm 2020: 1.159; năm 2021: 1.227; năm 2022: 1.195; 7 tháng đầu năm 2023: 529 đảng viên, đạt 37%, dự kiến trong năm 2023 phải kết nạp 1.442 đảng viên mới đạt chỉ tiêu đề ra.

Khảo sát của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho thấy, tỷ lệ đảng viên ở loại hình đơn vị sự nghiệp (giáo dục) còn thấp so với tổng số cán bộ, viên chức hiện có. Khối mầm non 2.099 đảng viên/6.647 viên chức, tỷ lệ 31,58%; khối tiểu học 3.862 đảng viên/7.515 viên chức, tỷ lệ 51,39%; khối THCS 2.747 đảng viên/5.736 viên chức, tỷ lệ 47,89%; khối THPT 1.463 đảng viên/3.236 viên chức, tỷ lệ 45,21%. Riêng khối cao đẳng, đại học là 427 đảng viên/1.081 viên chức, tỷ lệ 39,50%. 

Về mặt khách quan cho thấy, chỉ tiêu kết nạp Đảng giao cho các đơn vị tăng hơn so với các năm trước là do để đảm bảo theo yêu cầu Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương là đạt từ 3-4%, trong khi trước kia bình quân 2%. Công tác tuyên truyền, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho quần chúng chưa được quan tâm đúng mức; nội dung, hình thức tuyên truyền, bồi dưỡng chậm đổi mới; việc thực hiện nêu gương chưa tốt của một số ít cán bộ, đảng viên,… cũng phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng, mong muốn vào Đảng của quần chúng.

Phân tích nguyên nhân hạn chế, đại diện Thành ủy Đà Lạt cho rằng: Việc xây dựng, bồi dưỡng và quản lý nguồn kết nạp đảng viên còn hạn chế. Số lượng đảng viên kết nạp có xu hướng giảm dần, trong 7 tháng đầu năm 2023 chỉ kết nạp được 57/230 đảng viên, chỉ đạt tỷ lệ 24,78%. Việc tạo nguồn phát triển đảng viên gặp khó khăn, đặc biệt là ở địa bàn khu dân cư; một bộ phận đoàn viên, hội viên chưa quan tâm đến việc tham gia sinh hoạt các đoàn thể chính trị - xã hội, không có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Hiện nay, lực lượng thanh niên tại địa phương mỏng, chỉ tham gia hoạt động đoàn thể thời gian ngắn và lại đi làm ăn xa nên tại các thôn, tổ dân phố còn rất ít nguồn để bồi dưỡng, giáo dục, tạo nguồn cho công tác phát triển đảng viên.

Đại diện Huyện ủy Lâm Hà cho rằng: Công tác tạo nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu, bồi dưỡng, kết nạp Đảng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, khu vực hành chính, sự nghiệp nguồn kết nạp Đảng còn rất ít, do không có hợp đồng lao động mới tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Nguồn kết nạp Đảng chủ yếu tập trung ở lực lượng đoàn viên, thanh niên khu vực nông thôn, tuy nhiên, phần lớn thanh niên sau khi học xong THPT thì thi vào các trường đại học, cao đẳng hoặc đi làm ăn xa, không có mặt ở địa phương. Do không tham gia sinh hoạt ở chi hội, đoàn thể nào nên khó khăn trong việc quản lý, giúp đỡ, bồi dưỡng quần chúng vào Đảng. Còn một bộ phận thanh niên tuy sinh sống tại địa phương, nhưng lại tập trung làm kinh tế, chưa có hướng phấn đấu để trở thành đảng viên, nên khó có thể bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp.

(CÒN NỮA)

NGUYỆT THU