(LĐ online) - Xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử chính là một thủ đoạn phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch nhằm mục đích làm mất lòng tin của các thế hệ đối với truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, thực chất là trò hề lặp lại của những kẻ cơ hội chính trị, với hy vọng hão huyền rằng: Nói nhiều sẽ quen tai, rồi chuyển sai thành đúng. Nhưng, lịch sử chỉ có một, sự thật cũng chỉ có một, các sự kiện lịch sử trọng đại không thể vì những lời lẽ xuyên tạc, phủ nhận của một số cá nhân mà mất đi giá trị đích thực của nó.
Lý giải điều này để thấy, hàng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, đi ngược lại với niềm tự hào của toàn dân tộc, các thế lực thù địch, phản động lại tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng nước ta. Lợi dụng các trang mạng xã hội, chúng đăng tải các bài viết, hình ảnh với những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, bóp méo sự thật như: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử”, là “đi ngược lại sự bảo hộ của mẫu quốc”, không có gì thay đổi chế độ xã hội ở Việt Nam, chẳng qua chỉ là thay từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị”.
Chúng còn cho rằng, thắng lợi mà Việt Nam giành được đó là “sự ăn may của lịch sử khi Nhật thua trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng có tài cán gì”... Một số lại cố tình rêu rao: “Cách mạng Tháng Tám là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam”; “nếu không có Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giàu mạnh từ lâu và không mất dân chủ như bây giờ”...
Rõ ràng, đây là những lời lẽ xuyên tạc, lộng ngôn của các thế lực thù địch, của những kẻ cố tình tạo nên góc nhìn phiến diện, quan điểm sai lệch về những thành quả cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu và phủ định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xem nhẹ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Hoàn cảnh lịch sử thời điểm tháng 8/1945 đã tạo ra “thời cơ vàng” để dân tộc Việt Nam đứng lên thực hiện một cuộc cách mạng giành độc lập, tự do. Đó là thời điểm mà quân Nhật đã thất bại và tuyên bố đầu hàng đồng minh vào ngày 15/8/1945. Trong thời khắc quyết định của lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”. Người nhấn mạnh: “Đây là một thời cơ quý và hiếm, nếu bỏ qua thì không bao giờ có nữa”, “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc”. Như vậy, khi tình thế và thời cơ cách mạng chín muồi, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đúng vào thời điểm thuận lợi nhất.
Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Có thể nói, để có Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, một trong những nguyên nhân có tính quyết định, chính là sự lãnh đạo sáng suốt, khéo léo của Đảng, sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin trong điều kiện cụ thể ở nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt trong từng giai đoạn cách mạng, đã động viên được tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do của các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Đồng thời, Đảng nhanh chóng nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ, kiên quyết chớp thời cơ để tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Thực tế đã chứng minh, Cách mạng Tháng Tám không phải là “sai lầm lịch sử” hay là “sự ăn may”. Vì, từ những năm còn bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 thực sự là những “cuộc tổng diễn tập” là tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám thành công.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xóa bỏ sự thống trị của thực dân, phát xít và phong kiến, xây dựng nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó không phải là sự chuyển giao từ chế độ “vua trị” sang “đảng trị” mà là sự thay đổi về bản chất từ chế độ “quân chủ phong kiến” sang chế độ “dân chủ cộng hòa”, từ chế độ cai trị tàn bạo của thực dân, phong kiến sang chế độ Nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Và, nếu các thế lực thù địch cho rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam; kéo lùi sự phát triển của đất nước…”, thì đây chính là một sự bôi nhọ lịch sử trắng trợn. Cách mạng Tháng Tám đã đập tan chế độ áp bức, bóc lột “một cổ hai tròng” của thực dân Pháp, phát xít Nhật và phong kiến tay sai, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Nếu không có Cách mạng Tháng Tám sẽ không có Điện Biên Phủ 1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975. Ngược lại, thành quả Cách mạng Tháng Tám sẽ không được bảo vệ và phát huy, nếu không có thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Đó là những tiền đề cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế thành công, đất nước đạt “thành tựu có ý nghĩa lịch sử”, “chưa bao giờ có cơ đồ và vị thế như ngày nay”. Vì vậy, không một thế lực nào có thể phủ nhận giá trị và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sự thật hiển nhiên chỉ có một, với chân lý đã khẳng định giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 luôn tỏa sáng và không bao giờ bị phai mờ theo thời gian.