Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024): Vang mãi bản hùng ca Điện Biên

  • 07/05/2024
  • s 09:46

Đang ở độ tuổi “ xưa nay hiếm” nhưng những ký ức về Điện Biên “ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!”... vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim những người lính Điện Biên năm xưa. Đối với họ, quãng đời đẹp nhất chính là được cùng góp sức làm nên chiến thắng vĩ đại đã đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc.

Ông Nguyễn Hữu Đàm

Ông Nguyễn Hữu Đàm

• Ông Nguyễn Hữu Đàm: Vinh dự góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang

Năm nay 95 tuổi, nhưng ông Nguyễn Hữu Đàm với dáng người khoan thai, giọng cười sang sảng, đầy khí chất của người lính Cụ Hồ cho thấy sự nghiêm túc trong rèn luyện, giữ gìn sức khoẻ của một người lính với kỷ luật thép năm xưa. 

Ông tự hào chia sẻ và bồi hồi nhớ lại: Tôi vinh dự được cử trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ đầu đến cuối chiến dịch, đặc biệt vào đêm ngày 6/5, rạng sáng ngày 7/5 phối hợp các đơn vị, đánh tại đồi E, đồi D và cùng đồng đội, đồng chí anh em lập chiến công với thành tích xuất sắc. Tôi đã vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu. Bản thân tôi cũng rất tự hào, phấn khởi, khi được trực tiếp tham gia chiến dịch, mang lại vinh quang cho Tổ quốc hôm nay.

 Như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp cùng đoàn công tác đến thăm, chúc mừng, động viên các chiến sĩ Điện Biên đã ghi nhận: Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương luôn trân trọng, biết ơn sự đóng góp to lớn của những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Họ đã đóng góp tuổi thanh xuân, công sức của mình để góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là niềm tự hào của dân tộc, quê hương Lâm Đồng và gia đình của các chiến sĩ.

Được biết, ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Hữu Đàm tiếp tục nhận nhiệm vụ, đi chiến trường miền Nam và trong chiến dịch Mậu thân năm 1968, ông tiếp tục lập chiến công và được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với 40 năm tham gia chiến đấu, công tác trong quân đội, ông đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo. Hôm nay, khi đã nghỉ hưu nhiều năm, ông cùng người vợ và con cháu sinh sống tại ngôi nhà khang trang ở đường Lý Thường Kiệt, TP Đà Lạt với nếp sống hết sức bình dị, gương mẫu. Ông bà luôn động viên con cháu phát huy truyền thống gia đình, làm tốt nhiệm vụ, chức trách được đơn vị, cơ quan giao phó. Các thành viên gia đình ông hiện nay hầu hết đều là đảng viên, các con trai, gái, dâu, rể đều là cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, công an, là cán bộ, viên chức nhà nước... Ở mỗi vị trí công tác, các thành viên trong gia đình luôn tự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng theo gương của Bác Hồ và của chính nhân chứng sống lịch sử là người cha, người ông của mình.

 

Ông Mai Văn Vinh

Ông Mai Văn Vinh

• Ông Mai Văn Vinh: Tự hào chiến sỹ Điện Biên

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ở ngôi nhà nhỏ giữa triền cà phê xanh ngát tại Tổ dân phố Đông Anh 3 (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), ông Mai Văn Vinh - chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lại bồi hồi xúc động nhớ về những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu nơi chiến trường khốc liệt ấy. 

Dù bước sang tuổi 94 nhưng ông Vinh vẫn nhớ như in những trận đánh ác liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ký ức về những năm tháng hào hùng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, “gan không núng, chí không mòn” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn vẹn nguyên trong ông. Là lính pháo 81 tại Hưng Yên, cuối năm 1953, ông được bổ sung vào Đại đội Pháo binh Tiểu đoàn D6 - E349 - F351 Bộ Quốc phòng để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đợt 2 khi chiến dịch bắt đầu sử dụng pháo 105.

Với vai trò là lính lái xe và lính pháo binh 105, ông đã cùng đồng đội lái xe và kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ. Mỗi khẩu pháo nặng hàng mấy tấn thép được kéo lên dốc, xuống dốc trên những cung đường quanh co, đoạn dốc cao, đoạn vực thẳm. Việc kéo pháo vào đã vất vả, khi máy bay địch phát hiện, ông cùng đồng đội phải kéo pháo ra gian khổ hơn gấp nhiều lần. Nhưng với khí thế hừng hực mong chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông và những người lính pháo binh lại quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần trút “bão lửa” xuống đầu quân địch. Vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, bằng sự lãnh đạo tài tình của người Tổng chỉ huy - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người lính Cụ Hồ năm ấy, trong đó có ông, đã kiên cường, bất khuất làm nên lịch sử.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Vinh cũng là người trực tiếp kéo và chở 3 khẩu pháo 125 to nhất của Pháp lúc bấy giờ được quân ta thu hồi để về Hà Nội duyệt binh nhân dịp Quốc khánh 2/9/1955 - lễ duyệt binh đầu tiên sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Trường Chinh tặng Huân chương Kháng chiến. 

70 năm trôi qua, những ký ức về 56 ngày đêm khốc liệt để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng chưa bao giờ phai mờ trong ông. Giờ đây, người lính bình dị ấy tiếp tục là tấm gương sáng dạy bảo con cháu phát huy truyền thống cách mạng, ra sức học tập, lao động đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

 

Ông Nguyễn Hữu Thu

Ông Nguyễn Hữu Thu

• Ông Nguyễn Hữu Thu: Dù gian khổ, hiểm nguy,nhưng mỗi chúng tôi đều ra trận với quyết tâm cao nhất

Sinh năm 1929, ông Nguyễn Hữu Thu năm nay đã 95 tuổi đời, 55 tuổi Đảng. Tuổi cao đã cao, đôi tai không còn nghe rõ, những cột mốc thời gian cụ thể cũng không còn rõ ràng, nhưng những ký ức cùng cảm xúc về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn hiện lên thật sôi nổi, hào hùng qua lời kể của người cựu chiến binh. 

Ông Nguyễn Hữu Thu sinh ra ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ, ông đã nung nấu quyết tâm đi bộ đội để giải phóng quê hương. Thế nên năm 1946, khi còn là một thanh niên 17 tuổi, ông đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ.

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông thuộc Đại đội Pháo binh D2 E6, Lữ đoàn 349. Để chuẩn bị cho chiến dịch, ông là Trung đội trưởng phụ trách đào giao thông hào khắp trận địa. Hơn một tháng trời cầm cuốc, cầm xẻng, cầm súng đào chiến hào, không tránh khỏi những lúc đồng đội mệt mỏi. “Những lúc ấy, tôi xốc lại tinh thần, ý chí cho anh em với quyết tâm phải làm bằng được. Trong mọi thời khắc của chiến dịch, dù sự sống, cái chết chỉ cách nhau một khoảnh khắc, nhưng mỗi chúng tôi đều xung phong, chiến đấu với tinh thần quyết tâm cao nhất” - ông nói.

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ, ông Thu thuộc tiểu đoàn đánh trận Him Lam. Sau đó, ông tiếp tục tham gia đào giao thông hào để chuẩn bị đánh trận thứ 2. Tại trận đánh vào Bắc sân bay, ông bị thương và được đưa về quân y điều trị gần 1 tháng. Ngày 6/5/1954, sau khi đã hồi phục, ông xin được trở lại đơn vị với quyết tâm tiếp tục chiến đấu thì ngày hôm sau, 7/5, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. “Với mỗi người lính, chắc hẳn rằng không ai là không cảm thấy xúc động trong thời khắc đó. Bao nhiêu gian khổ, khó khăn, nguy hiểm, hy sinh của đồng đội, anh em đã được đền đáp xứng đáng. Còn bản thân tôi thì cảm thấy vô cùng tự hào khi mình đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc” - người chiến sĩ Điện Biên chia sẻ. 

Những cảm xúc đặc biệt đó, đã được ông Nguyễn Hữu Thu ghi lại qua những câu thơ mà ông tự sáng tác: “Tháng 5 mồng 7 thường niên/ Là ngày chiến thắng Điện Biên oai hùng/ Hoa ban nở trắng khắp vùng/ Reo vui cùng với non sông huy hoàng”.

Năm 1977, ông Nguyễn Hữu Thu xuất ngũ và chuyển vào sinh sống tại huyện Di Linh vào năm 1987. Trở về thời bình, ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương ở nhiều vị trí như Thường trực Đảng ủy thị trấn Di Linh, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 16... Ở vai trò nào, người chiến sĩ Điện Biên cũng đều mong muốn cùng chung tay, góp sức đưa quê hương thứ 2 ngày càng phát triển, giàu đẹp.     

 

Ông Phùng Chiến

Ông Phùng Chiến

• Ông Phùng Chiến: Tiếp cận các mục tiêu của địch nhanh nhất có thể

Một ngày đầu tháng 5, khi cả nước đang hăng say thi đua lập thành tích chào mừng, kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi may mắn được gặp, trò chuyện cùng cựu chiến binh, Thiếu tá Phùng Chiến (93 tuổi, ngụ tại Phường 2, TP Bảo Lộc). Năm 1953, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên quê Hà Tây xung phong nhập ngũ tại Đại đội C35 đơn vị Quân báo thuộc Cục Tác chiến tham gia đánh Pháp ở Mường Khoa - Thượng Lào.

Đầu năm 1954, ông Chiến cùng đồng đội có mặt tại Điện Biên làm nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình quân địch. Thiếu tá Phùng Chiến kể: “Ở Điện Biên, đơn vị chúng tôi có trên 30 người. Là lính trinh sát nên chúng tôi luôn đi đầu và tìm cách luồn sâu vào các cứ điểm để nắm bắt mọi âm mưu, hành động của địch. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi tìm cách vượt qua hàng rào kẽm gai dày đặc mìn để trực tiếp tìm hiểu địa hình, kế hoạch của quân địch. Ngày 22/1/1954, đơn vị chúng tôi nắm được tin địch đã biết kế hoạch nổ súng đánh Điện Biên Phủ vào ngày 25/1 của ta. Thông tin này được chúng tôi cấp báo về Bộ Chỉ huy để phân tích, đánh giá. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển lệnh từ đánh nhanh thắng nhanh thành đánh chắc, tiến chắc”.

Theo ông Chiến, phần lớn thời gian chiến đấu ở Điện Biên Phủ, để tiếp cận địch an toàn, hạn chế thương vong, bộ đội ta thường di chuyển, chiến đấu dưới giao thông hào. Riêng những người lính trinh sát như ông Chiến, nhiều lần phải chọn cách di chuyển trên mặt đất để tiếp cận các mục tiêu của địch nhanh nhất có thể. Từ đó, nắm tình hình của địch, vẽ sơ đồ quy mô trận địa để kịp thời thông tin chính xác tới Bộ Chỉ huy.

“Suốt quá trình tiếp cận các cứ điểm của địch ở Điện Biên, chúng tôi nắm được nhiều thông tin quan trọng về trận địa của quân địch. Không chỉ có hàng rào kẽm gai phía ngoài, mà tại các cứ điểm, địch còn xây dựng “hàng rào cũi lợn” kiên cố để chống xung phong của quân đội ta. Tất cả được chúng tôi ghi chép, vẽ sơ đồ cụ thể để đơn vị báo cáo Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương lên kế hoạch cho mặt trận Điện Biên Phủ” - Thiếu tá Phùng Chiến nhớ lại.

Đến chiều 7/5/1954, sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm chiến đấu ác liệt, khi đang trinh sát trong trận địa, ông Chiến cùng đồng đội được chứng kiến thấp thoáng những lá cờ trắng tung bay ở phía chiến hào của địch. “Đó là một buổi chiều hùng vĩ. Cờ chiến thắng của bộ đội ta tung bay khắp nơi, hàng ngàn tên địch đầu hàng vô điều kiện. Bộ đội ta, mỗi người giải cả trăm tên lính Pháp. Chúng ta là người chiến thắng, vinh dự và tự hào lắm” - ông Chiến nhớ lại thời khắc lịch sử hào hùng ở Điện Biên Phủ.

 

Ông Phan Xuân Biện

Ông Phan Xuân Biện

• Ông Phan Xuân Biện - cựu dân công hỏa tuyến chuyên phá bom mở đường lên Điện Biên

Ông Phan Xuân Biện (93 tuổi, ngụ tại phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) dù sức khỏe đã yếu, tai không còn thính, nhưng những câu chuyện về một thời tham gia làm dân công hỏa tuyến cho chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ 70 năm trước vẫn được ông kể lại một cách rành mạch. Năm 1953, lúc đó ông Biện mới 20 tuổi, cái tuổi sung sức nhất của tuổi trẻ, ông đã tình nguyện tham gia dân công hỏa tuyến mở đường lên Điện Biên. 

Đầu năm 1954, để chuẩn bị các điều kiện cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng hơn 20 đồng đội trong Đoàn 40 được giao nhiệm vụ đi đầu rà phá bom mìn để mở đường cho bộ đội.

Ông Biện kể: “Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ phá bom mở đường phục vụ kháng chiến. Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà tôi cùng đồng đội đảm nhận là phá bom ở “ngã ba lửa” Cò Nòi. Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa Quốc lộ 41 với Quốc lộ 13. Đây là một trong những khu vực mà không quân Pháp thường xuyên thả bom đánh phá. Tại đây, mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba Cò Nòi. Từ đầu năm 1954, quân Pháp thả bom nổ chậm, bom bươm bướm xuống ngã ba này dày đặc, có những ngày chúng ném hàng trăm quả bom xuống Cò Nòi”.

Cứ thế, tuy không thể nhớ hết bao nhiêu lần cùng đồng đội xung phong phá bom mở đường, nhưng ông luôn quả quyết, dù bom đạn của giặc Pháp bắn phá nhiều đến đâu cũng không thắng nổi ý chí của những chiến sĩ dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong như ông cùng biết bao đồng đội. Nhiều lần trong lúc phá bom, ông Biện ruột đau như cắt khi chứng kiến bom phát nổ khiến các đồng đội phải hy sinh.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Biện tiếp tục tình nguyện qua Lai Châu, Lạng Sơn xây dựng kho tàng, hầm hào. Năm 1965, ông được cử đi học Hạ sĩ quan tại Thủ đô Hà Nội và được phong cấp hàm thiếu úy. Sau đó, tiếp tục tham gia Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh vận tải chi viện cho miền Nam. Năm 1970, ông tham gia Tiểu đoàn 668 (Tiểu đoàn Máu trắng) đảm nhận nhiệm vụ lắp đặt, bảo vệ đường ống vận chuyển xăng, dầu gần 1.000 km từ Quảng Bình vào miền Nam.

Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ông quay trở về quê nhà ở huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An). Sau đó, chuyển ngành vào công tác tại Công ty Chè Lâm Đồng đến năm 1991 thì nghỉ hưu theo chế độ. Ông Biện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

NGUYỆT THU - TUẤN HƯƠNG - VIỆT QUỲNH - KHÁNH PHÚC - HẢI ĐƯỜNG